Cầu Québec nằm cách Québec- tỉnh lỵ tỉnh Québec nói tiếng Pháp của Canada - 9,6 km. Nó được xem là sản phẩm trí tuệ của Công ty Cầu Québec (QBC), một doanh nghiệp địa phương. Năm 1903, QBC giao cho Công ty Cầu Phụng Hoàng (PBC) của Mỹ thiết kế và thi công. Phần tư vấn giám sát bản vẽ và thi công, công ty mời kỹ sư Theodore Cooper, một nhà thiết kế và xây cầu nổi tiếng của Mỹ, đảm trách.
Thẩm định sai
Đặc điểm của vị trí xây cầu khiến cho việc thiết kế hết sức khó khăn. Sông St. Lawrence là đường thủy quan trọng hằng ngày có nhiều tàu biển lớn đi qua. Bởi vậy chiều cao nhịp giữa phải đạt tối thiểu 45,72 m. Chiếc cầu được thiết kế theo kỹ thuật tiên tiến nhất của đầu thế kỷ 20, theo đó nó có chiều dài tổng cộng 987 m, bề ngang rộng 29 m, nhịp giữa dài 195 m và toàn bộ nhịp cầu chính dài 550 m.
Cuối năm 1903, kỹ sư thiết kế P.L.Szlapaka của Công ty PBC giao cho QBC bản vẽ ban đầu. Cooper xem bản vẽ tỏ ra hài lòng, phán rằng: "đây là giải pháp tốt nhất và ít tốn kém nhất”. Ông chỉ yêu cầu điều chỉnh một vài thông số.
Năm 1905, Szlapaka hoàn thành bản vẽ hoàn chỉnh và chiếc dầm thép đầu tiên đã được tán ri-vê tại chỗ. Bảy tháng sau, Cooper mới phê chuẩn bản vẽ lần cuối cùng tuy vẫn còn băn khoăn một điểm: Trọng lượng của toàn bộ cấu trúc cầu vượt quá 3.600 tấn so với lực chịu tải. Ông có hai lựa chọn: Hoặc bác bỏ bản vẽ bắt làm lại hoặc chấp nhận rủi ro với hy vọng sẽ không có việc gì xảy ra.
Trong suy nghĩ của ông Cooper, sai số 3.600 tấn nằm trong giới hạn cho phép. Vì vậy, ông quyết định cho phép tiếp tục việc thi công. Theodore Cooper là một người tự cao tự đại từng thực hiện nhiều công trình nổi tiếng ở New York. Nhận công trình cầu Québec ông muốn người đời nhớ đến ông như một nhà thiết kế cầu vĩ đại nhất thế giới.
Vì thế khi Robert Douglas, một kỹ sư Canada, thắc mắc về độ bền chịu lực của nhịp cầu giữa khi Cooper điều chỉnh bản vẽ nới rộng chiều dài từ 490 m lên 550 m thì Cooper đùng đùng nổi giận. Ông nói: “Lời bình đó đặt tôi vào một vị thế thấp kém không thể chấp nhận được”. Theo ông, Douglas là một kẻ vô danh. Làm như vậy chẳng khác nào chửi vào mặt ông.
Trong quyết định cuối cùng của Cooper thật ra còn có một yếu tố khác: Thái tử xứ Wales (sau này là vua George V của Anh) muốn khánh thành cầu vào năm 1908. Mọi sự trì hoãn đều ảnh hưởng đến kế hoạch của thái tử. Quyết định của Cooper là nguyên nhân dẫn đến thảm họa sập cầu đang thi công đầu tiên của thế kỷ 20.
Ngày 15-6-1907, một kỹ sư giám sát công trình phát hiện hai khúc dầm giàn néo lệch tâm 6,4 mm. Cooper cho rằng vấn đề đó “không nghiêm trọng”. Một bản báo cáo khác vào tháng 8 lại ghi nhận độ lệch tâm đã lớn hơn và có hiện tượng oằn. Mặc dù vậy, Cooper vẫn cho phép tiếp tục thi công.
Ngày 27-8, kỹ sư trẻ Norman McLure, trưởng nhóm kiểm tra báo cáo các dầm đã dịch chuyển và oằn đi rõ ràng. McLure viết thư cho Cooper yêu cầu ông thẩm định lại. Thoạt đầu, Cooper trả lời “vấn đề không nghiêm trọng”. Một số kỹ sư của PBC còn nhận định rằng các khúc dầm đã bị oằn trước khi lắp ghép.
Ngày 27-8, nhóm kỹ sư tại hiện trường quyết định cử McLure trở về New York xin ý kiến Cooper. Có người đề nghị chỉ cần điện thoại cho đỡ tốn kém nhưng người ta sợ có người khác nghe lén. Hơn nữa, họ không muốn báo động ai khác ngoài Cooper.
Sáng hôm sau, trong khi McLure lên đường đi New York, John Deans, kỹ sư trưởng công trường, quyết định tiếp tục thi công. Có người đồn rằng khi được hỏi tại sao, ông Deans bảo ông ta nằm mơ thấy có người nói vấn đề lệch đầu dầm không quan trọng lắm.
Trong khi McLure vẫn chưa đến New York thì Cooper đã đổi ý gửi khẩn cấp một bức điện yêu cầu Công ty PBC: “Không được chất thêm tải lên cầu chờ một cuộc thẩm định toàn diện”. Bức điện đến tay Deans nhưng ông này bỏ ngoài tai ý kiến chỉ đạo của Cooper.
Vào lúc 5 giờ 32 ngày 29-8, thảm họa xảy ra. Trong vòng 15 giây, toàn bộ nhịp giữa đổ sập xuống sông kéo theo 86 công nhân đang làm việc trên cầu. Tiếng động lớn đến nỗi cư dân sống chung quanh công trình 10 km tưởng lầm là động đất. 76 người thiệt mạng, số còn lại bị thương.
Trong số này có 33 thổ dân da đỏ người địa phương tộc Caughnawaga rất giỏi nghề leo trèo. Những cây thánh giá trên nấm mồ của họ được làm bằng chính những cây sắt làm cầu. Gần đây, người ta đã xây một tượng đài hình dáng giống một phần cây cầu để tưởng niệm các thổ dân này.
Cầu Québec mới |
Coi trọng lợi nhuận hơn an toàn lao động
Ủy ban điều tra hoàng gia quy tội cho kỹ sư trưởng John Deans đã thẩm định sai tình hình cho nên vẫn tiếp tục cho thi công bất chấp nguy cơ rành rành xảy ra thảm họa. Cooper tất nhiên bị kết tội nặng nhất vì đã phạm những sai lầm to lớn trong việc tư vấn giám sát. Công ty PBC cũng bị phê bình coi trọng lợi nhuận hơn an toàn lao động.
Phải mất đến 2 năm, người ta mới dọn dẹp hết đống sắt thép chìm dưới sông. Trong thời gian đó, ba kỹ sư Canada, Anh và Mỹ được giao trách nhiệm thiết kế và thi công một chiếc cầu mới tại địa điểm cầu cũ. Chiếc cầu này vẫn cùng kiểu với cầu cũ nhưng bề thế hơn. Công trình cầu mới bắt đầu từ năm 1913 và hoàn thành tháng 8-1919 với tổng chi phí 25 triệu USD.
Tuy nhiên, vận đen vẫn chưa chịu buông tha. Ngày 11-9-1916, trong lúc thi công, nhịp cầu giữa lại rơi xuống sông trong lúc lắp ghép làm 13 công nhân thiệt mạng. Như vậy, cầu Québec xây hai lần đều gặp nạn khiến tổng cộng 89 người chết oan.
Năm 1987, hiệp hội kỹ sư cầu đường Mỹ và Canada tuyên bố cầu Québec là một di tích lịch sử. Ngày 24-1-1996, Chính phủ Canada công nhận chiếc cầu này là địa điểm lịch sử quốc gia.
Bình luận (0)