Hãng tin Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Qatar không công bố lý do rút quân. Hành động này đến vào giữa thời điểm Qatar bị các nước Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa thương mại.
Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố hôm 14-6: "Qatar từng là một hòa giải viên ngoại giao công minh trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng và tranh chấp giữa một số quốc gia anh em. Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng quốc tế".
Chưa rõ Doha rút bao nhiêu binh sĩ về nước, chỉ biết Qatar đã thông báo cho chính phủ Djibouti về việc rút quân. Các phương tiện truyền thông Ả Rập Saudi sau đó đưa tin Djibouti đã hạ cấp độ đại diện ngoại giao tại Qatar.
Quân đội Qatar. Ảnh: REUTERS
Cùng ngày 14-6, Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba khẳng định áp lực kinh tế lên Qatar sẽ gia tăng song không một nước Vùng Vịnh nào có ý định sử dụng phương án quân sự với nước láng giềng này.
"Tôi đã liên lạc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nhiều lần và đảm bảo với ông ấy rằng căn cứ quân sự Mỹ ở Qatar, Al-Udeid, sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng" – ông Al-Otaiba nói với phóng viên tại Washington.
Dù vậy, ông Al-Otaiba hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng căn cứ quân sự này như một công cụ chính trị để gây áp lực đối với Qatar: "Có lẽ ai đó trong quốc hội Mỹ nên đề nghị tổ chức một phiên điều trần và đặt vấn đề: ‘Chúng ta có nên xem xét di chuyển nó ra khỏi Qatar?’".
Mỹ hiện đặt căn cứ không quân lớn nhất Trung Đông của nước này ở Qatar, mục đích điều phối các chiến dịch trên không tại Iraq, Syria và Afghanistan. Có khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại đây.
Ông Al-Otaiba cũng chỉ ra một hiệp ước phòng thủ mà Mỹ và UAE ký hồi tháng trước, qua đó cho phép Washington triển khai thêm quân đội và trang thiết bị tới nước này.
Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba. Ảnh: AP
Với cáo buộc Qatar tài trợ cho khủng bố và duy trì quan hệ gần gũi với Iran (chính quyền Doha đã phủ nhận các cáo buộc này), Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập liệt hàng chục cá nhân và tổ chức liên kết với Qatarvào danh sách khủng bố.
"Chúng tôi đã liệt 59 người và 12 tổ chức vào danh sách này. Có thể họ sẽ bị đóng băng tài khoản ngân hàng" – ông Al-Otaiba cho biết.
Thêm vào đó, đại sứ UAE thông báo 4 nước kể trên đang soạn thảo một loạt các điều kiện dành cho Qatar và sẽ được "bàn giao cho Mỹ sớm". Chúng bao gồm 3 vấn đề: tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain, Ai Cập và tấn công thông qua các nền tảng truyền thông của Qatar.
Bình luận (0)