Reuters dẫn lời Bộ Tài chính Qatar cho biết Doha có đủ nguồn lực để chống lại sức ép từ Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập.
Khu vực biên giới giữa Qatar và Ả Rập Saudi vắng lặng hôm 12-6. Ảnh: REUTERS
4 nước này hồi đầu tuần trước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa thương mại đối với Qatar. Hậu quả, việc nhập khẩu lương thực và các nguyên vật liệu khác của Doha bị gián đoạn. Một số ngân hàng nước ngoài tại Qatar cũng phải thu nhỏ hoạt động kinh doanh.
Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi tuyên bố trên đài CNBC rằng lĩnh vực năng lượng và nền kinh tế của Qatar vẫn hoạt động bình thường cũng như không có tác động nghiêm trọng nào đối với nguồn cung cấp thực phẩm và hàng hoá.
Theo ông Al-Emadi, Qatar có thể nhập khẩu hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Viễn Đông hoặc châu Âu, bên cạnh việc đa dạng hóa nền kinh tế nhằm phản ứng trước cuộc khủng hoảng. "Dự trữ và quỹ đầu tư của chúng tôi chiếm hơn 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Vì vậy, tôi nghĩ mọi người không cần phải quan tâm đến những gì đang xảy ra" – ông Al-Emadi tuyên bố.
Hành khách tới sân bay quốc tế Hamad hôm 12-6. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia kinh tế Jason Tuvey đến từ Công ty Capital Economics (trụ sở ở London – Anh), nhận định: "Miễn là các quốc gia Vùng Vịnh không can thiệp vào lĩnh vực xuất khẩu khí đốt của Qatar, quốc gia nhỏ bé này sẽ có thể đứng vững mà không sa vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng".
Sau 1 tuần lao đao, nền kinh tế của Qatar bắt đầu bình ổn trở lại. Các nhà máy chế biến lương thực trong nước đang đẩy mạnh sản xuất để bù vào lượng hàng nhập khẩu bị thiếu hụt. Nhiều công ty hàng hải Qatar cũng chuyển hướng chở container qua Oman thay vì UAE dù biết sẽ chậm trễ và tăng chi phí.
Là nước xuất khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng hàng đầu thế giới, Qatar có đủ tiềm lực tài chính để chống đỡ cho nền kinh tế. Dù vậy, suy thoái kinh tế có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với phần lớn trong số 2,7 triệu cư dân của Qatar, hầu hết là lao động nhập cư (chiếm tới 90% dân số của Qatar). Đa số họ không có kỹ năng và phụ thuộc vào các dự án xây dựng như sân vận động World Cup 2022.
Sự rạn nứt ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng cũng gây khó xử cho Mỹ. Washington đặt căn cứ không quân lớn nhất Trung Đông ở quốc gia này, trong khi đặt căn cứ hải quân tại Bahrain.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ủng hộ việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Qatar bất chấp lập trường trung lập của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc. Ông chủ Nhà Trắng cho biết lệnh trừng phạt sẽ nhằm chấm dứt các nguồn tài trợ cho khủng bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Abdulrahman al-Thani trong một cuộc họp báo ở Pháp gần đây đã phủ nhận Qatar ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan như Brotherhood (Ai Cập) hoặc duy trì mối quan hệ gần gũi với Iran.
Morocco sắp gửi thực phẩm cho Qatar
Hôm 12-6, Morocco thông báo sẽ điều máy bay chở thực phẩm tới Qatar. Bộ Ngoại giao Morocco tuyên bố quyết định này phù hợp với luật Hồi giáo, trong đó kêu gọi sự đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa người Hồi giáo, đặc biệt là trong tháng chay Ramadan. Trước đó, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng gửi hàng hóa gồm rau quả, chế phẩm từ sữa… cho Qatar.
Bình luận (0)