Nhằm thực hiện những lời hứa tranh cử, ông Biden đã đưa ra loạt sắc lệnh được ký nhanh chóng ngay trong ngày làm việc đầu tiên của ông Joe Biden tại Nhà Trắng. Theo CNN, ông Biden mau chóng hủy bỏ nhiều quy định dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump ngay sau lễ nhậm chức. Trong đó có sắc lệnh chấm dứt hạn chế nhập cảnh với công dân nước có Hồi giáo chiếm đa số. Đây là một trong những sắc lệnh đầu tiên được ông Trump ký sau khi nhậm chức năm 2017.
Đối với cuộc khủng hoảng Covid-19, sắc lệnh khác đáng chú ý là bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội tại các tòa nhà công sở liên bang và vùng lãnh thổ thuộc liên bang. Việc áp đặt lệnh đeo khẩu trang bắt buộc tại mỗi địa phương thuộc về quyền hạn của chính quyền nơi đó, nên Biden dự kiến sẽ hợp tác với giới chức bang và địa phương để thúc đẩy biện pháp phòng dịch này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký 15 sắc lệnh hành pháp đầu tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19
Chính quyền mới cho rằng Mỹ đang đối mặt với tình hình dịch bệnh đang gia tăng và chịu suy thoái kinh tế do Covid-19, thế nên cần có hành động khẩn cấp từ tổng thống.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20-1 ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm. Ảnh: ABC News
Tổng thống Biden cũng chấm dứt "tình trạng khẩn cấp an ninh quốc gia" do ông Trump ban bố nhằm huy động tiền xây dựng bức tường biên giới phía nam giữa Mỹ và Mexico.
Một số quyết định khác dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump cũng bị đảo ngược, như quá trình rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hay lệnh cấm nhập cảnh đối với các quốc gia đa số theo đạo Hồi.
Tổng thống Biden đã hành động để Mỹ tham gia lại hiệp định khí hậu Paris. Việc tái gia nhập hiệp định của Mỹ dự kiến sẽ không mất nhiều thời gian. Mỹ sẽ đệ trình thỏa thuận Paris vào thời điểm các nước khác bắt đầu thực hiện các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn.
Ông Biden nói: "Chúng tôi sẽ chống lại vấn đề biến đổi khí hậu theo cách chưa từng có".
Đặc phái viên John Kerry sẽ dẫn đầu nhiều nỗ lực của chính quyền, hướng dẫn Mỹ thông qua một hội nghị của Liên Hiệp Quốc diễn ra vào tháng 11 tại Scotland, nơi các nước sẽ chính thức áp dụng các cam kết nghiêm ngặt hơn về khí hậu.
Ngoài việc đưa Washington tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Biden còn thu hồi cấp phép dành cho đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Canada sang Mỹ gây tranh cãi.
Việc tái lập vai trò lãnh đạo của Mỹ về biến đổi khí hậu sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden. Ảnh: AP
Khi được hỏi về lá thư người tiền nhiệm để lại, ông Biden đã từ chối tiết lộ nội dung nhưng mô tả đó là một bức thư "rất độ lượng". Trước đó, ngay sau lễ nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Biden cũng công bố danh sách 23 quyền bộ trưởng hoặc lãnh đạo cơ quan hành pháp liên bang.
Họ đều được ông Biden chỉ định để giúp hoạt động các bộ và cơ quan liên bang không bị xáo trộn. Những người này sẽ giữ vai trò này cho đến khi các nhân vật được ông đề cử cho chức bộ trưởng nhận được sự phê chuẩn của thượng viện.
Dự kiến ông Biden sẽ ký thêm một số sắc lệnh trong vài ngày tới.
Sắc lệnh hành pháp là công cụ quan trọng để các tổng tư lệnh nước Mỹ nhanh chóng thực thi quyền lực của mình, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng. Sắc lệnh hành pháp có hiệu lực ngay mà không cần Quốc hội thông qua. Sau hai tuần ở Nhà Trắng, cựu Tổng thống Donald Trump ký 8 sắc lệnh hành pháp và cựu Tổng thống Barack Obama ký 9 sắc lệnh.
Tổng thống Franklin D. Roosevelt đang giữ kỷ lục là người ban hành nhiều sắc lệnh nhất, với gần 4.000 quyết định được ký. Nổi tiếng nhất trong số đó là sắc lệnh 2537 được ban hành năm 1942, yêu cầu công dân của các nước kẻ thù như Đức, Italy, Nhật Bản sống ở Mỹ phải đăng ký với Bộ Tư pháp, đồng thời đưa nhiều người Mỹ gốc Nhật vào các trại quản thúc.
Bình luận (0)