Việc xếp hạng hằng năm 141 nền kinh tế đo lường khả năng cạnh tranh trên thang điểm từ 0 đến 100, dựa trên các yếu tố: cơ sở hạ tầng, y tế, thị trường lao động, hệ thống tài chính, chất lượng của các tổ chức công cộng và sự cởi mở về kinh tế.
Singapore trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới trong năm 2019. Ảnh: RAMBOLL
Theo đó, Singapore đạt 84,8/100 điểm. Còn Mỹ đạt 83,7 điểm, xếp thứ hai, tụt một hạng so với năm 2018.
Bản báo cáo cho biết sự cải thiện 1,3 điểm trong tổng điểm và hiệu suất thấp hơn của Mỹ đã đẩy Singapore lên vị trí đứng đầu trong năm nay.
Trong số 12 tiêu chí đánh giá, Singapore đứng đầu trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng (95,4), y tế (100) và thị trường lao động (81,2), đồng thời cũng giành được điểm số cao trong các lĩnh vực hệ thống tài chính (91,3) và ổn định kinh tế vĩ mô (99,7).
Về tính hiệu quả thị trường, Singapore đạt 81,2 điểm và xếp thứ hai sau Hồng Kông.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing ngày 9-10 cho rằng bảng xếp hạng nêu trên là thông tin đáng khích lệ vì nó phản ánh cách các yếu tố cơ bản mạnh mẽ của Singapore, tiếp tục làm cho nước này nổi bật trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Tuy vậy, theo ông, với tư cách là một nền kinh tế nhỏ và cởi mở, Singapore không thể chấp nhận những điều hiển nhiên và nước này phải kiên trì với những nỗ lực tập thể để vượt qua những bất ổn kinh tế hiện tại.
Đối với Mỹ, sự trượt dốc - bị trượt từ điểm số 85,6 năm ngoái xuống 83,7 - liên quan một phần đến các cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump. Trong khi bản báo cáo lưu ý rằng Mỹ "vẫn là một cường quốc sáng tạo" và là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ hai trên thế giới, một số dấu hiệu rắc rối đã xuất hiện - theo WEF.
Trong khi đó, Hồng Kông đã giành vị trí thứ ba với số điểm 83,1 - tăng 4 điểm. Tuy nhiên, WEF cho biết dữ liệu được sử dụng trong bản báo cáo được thu thập trước khi diễn ra làn sóng phản đối chính quyền làm rung chuyển trung tâm tài chính này.
Hà Lan đã đứng thứ tư - tăng 2 bậc so với năm ngoái, còn Thụy Sĩ ở vị trí thứ năm.
Việt Nam tăng 10 bậc, đứng thứ 67 trong khi Philippines từ hạng 56 tụt xuống hạng 64. Các nước Đông Nam Á khác: Malaysia hạng 27, Thái Lan - 40, Indonesia - 50, Brunei Darussalam - 56, Campuchia - 106 và Lào - 113.
Bình luận (0)