Sau ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc tiếp tục gây sức ép lên thị trường bất động sản nước này do giới chức Trung Quốc đang tìm cách bán tống bán tháo các dinh thự sang trọng của mình.
Hồi chuông cảnh báo
Cuối năm 2013, một quan chức Nội Mông tên Vũ Chí Trung bị kết tội tham nhũng, nhận hối lộ và biển thủ công quỹ. Các nhà điều tra cho biết ông này sở hữu 33 bất động sản ở Trung Quốc và 1 ngôi nhà ở Canada. Số điền sản của cựu quan tham nhiều đến độ Tân Hoa Xã mô tả “chìa khóa nhà chứa đầy một túi xách”.
Cũng năm ngoái, Thái Bân - cựu quan chức thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông - mất chức với tội danh nhận hối lộ, sở hữu hơn 20 căn hộ. Hai trường hợp vừa nêu góp phần gióng lên hồi chuông cảnh báo với nhiều quan chức địa phương Trung Quốc.
Cựu quan chức thành phố Quảng Châu Thái Bân bị kết tội nhận hối lộ
Ảnh: AP
“Các quan đang muốn bán căn hộ trong thời gian sớm nhất nên họ sẵn sàng bán rẻ hơn 5%-10% so với mức giá bình quân” - ông Trương Nham, Giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản Thượng Hải Centaline, cho biết. Cũng theo ông, giới quan chức thường tìm khách mua trong vòng 2 tuần trong khi thông thường cần khoảng 1 tháng để được giá hơn.
Trung bình mỗi quý, ông Trương giúp bán 3-4 căn hộ cho các quan chức. Các công ty nhà đất ước tính quan chức sở hữu đến 20% bất động sản hạng sang ở nước này.
Khó có thể lường được tác động của chiến dịch chống tham nhũng đối với thị trường Trung Quốc, một phần vì Bắc Kinh không có hệ thống quản lý bất động sản quốc gia.
Hiện nay, thị trường nhà đất Trung Quốc tụt dốc thảm hại khiến nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán sẽ đe dọa đến nền kinh tế nước này. Theo số liệu công bố tuần trước, doanh số bán nhà trong 7 tháng đầu năm của Trung Quốc giảm 10,5%.
Dùng căn hộ làm quà biếu
Quân ủy Trung ương Trung Quốc gần đây yêu cầu các quân nhân báo cáo thường niên về số bất động sản mình sở hữu và cảnh báo sẽ trừng phạt nặng nếu báo cáo láo hoặc cố tình che đậy. “Một cách hối lộ quan chức phổ biến là tặng căn hộ. Do đó, chiến dịch chống tham nhũng sẽ càn quét lĩnh vực bất động sản” - giáo sư Trường ĐH Bắc Kinh Yên Kế Vinh nhấn mạnh.
Báo The Wall Street Journal dẫn một nghiên cứu của Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ) cho biết quan chức Trung Quốc thường mua nhà to và đắt tiền. Nhiều trường hợp nhờ lái xe riêng, người thân hoặc người đại diện để mua nhà.
Một nhân viên môi giới bất động sản cho biết một khách hàng của anh bị bắt giữ khi đang cố bán nhà năm ngoái. “Tôi chẳng nhận ra đó là quan chức cho đến khi thấy ảnh ông ấy bị bắt trên mạng” - nhân viên đó nói.
Hiện chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị thực hiện hệ thống đăng ký và đánh thuế bất động sản toàn quốc. Việc làm này sẽ giúp quá trình xác minh các quan chức nào mua nhiều nhà dễ dàng hơn.
Trước mắt, Ủy ban Kiểm toán Trung Quốc đang tiến hành các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt về tiền thu được từ việc bán đất cũng như việc thu hồi, dự trữ và giao đất giai đoạn 2008-2013. Đợt kiểm toán được thực hiện từ ngày 18-8, kéo dài trong 2 tháng với mục tiêu “phát hiện tham nhũng ở các lĩnh vực khác nhau”.
Theo Reuters, kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu, nhiều quan chức dính líu tới giao dịch đất đai lộ diện. Các điều tra viên phát hiện quan chức nhận được lợi nhuận khổng lồ khi chính quyền địa phương mua đất từ nông dân với giá “bèo” rồi bán lại để phát triển thương mại hay khu công nghiệp.
Thắt lưng buộc bụng
Các con số thống kê chính tại thị trường hàng hóa xa xỉ ở Hồng Kông và Macau cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong một số lĩnh vực mà giới nhà giàu Trung Quốc thường đổ tiền vào.
Ngoài ra, từ đầu năm 2014, doanh thu sòng bạc ở Macau tiếp tục giảm trong khi các nhà bán lẻ ở Hồng Kông - vốn được cho là trung tâm mua sắm khổng lồ của người giàu Trung Quốc - thất thu.
Bình luận (0)