Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan đại diện Liên minh châu Âu (EU) ở Moscow cho biết EU đã nhận được dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga về vụ việc và đang đánh giá thông tin đó.
Các chuyên gia Nga hôm 23-7 tuyên bố trên kênh truyền hình số 1 rằng MH17 đã bị máy bay Su-25 của Ukraine bắn hạ, người Mỹ biết điều đó nhưng im lặng.
Tướng Vladimir Mikhailov, tư lệnh không quân Nga giai đoạn 2002-2007, nhấn mạnh sự việc xảy ra với sự giúp sức của Trung tâm Điều hành chuyến bay ở Dnevpropetrovsk khi ra lệnh cho MH17 bay chếch về phía trái tuyến bay để đến gần chiếc Su-25 hơn, đồng thời “những kẻ tổ chức vụ khủng bố kinh khủng này đã tính toán chiếc máy bay sẽ rơi xuống lãnh thổ Nga”.
Theo ông, Su-25 không thể bay trên độ cao 10.000 m với tốc độ 900 km/giờ như chiếc Boeing nhưng Su-25 chỉ cần hướng mũi máy bay lên nhằm vào đích và bắn. Khoảng cách thuận lợi và tối ưu nhất để tấn công là 3-5 km, như Bộ Quốc phòng Nga đã ghi nhận.
Ông đoan chắc MH17 không bị tên lửa Buk bắn rơi, chính các mảnh vỡ máy bay chứng minh điều đó bởi sức công phá của Buk mạnh hơn nhiều.
Mảnh vỡ lớn nhất của máy bay MH17 mới được tìm thấy trong rừng với nhiều lỗ đạn
Ảnh: NEWSRU.UA
Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Quốc gia Igor Korotchenko quả quyết: “Miền Đông Ukraine nằm dưới sự kiểm soát suốt 24/24 của một nhóm vệ tinh Mỹ ở nhiều độ cao khác nhau nên chẳng có lý do gì Mỹ không nắm được thông tin”.
Về phần mình, trung tướng Alexander Maslov, cựu tư lệnh Bộ Tham mưu lực lượng tên lửa, cho rằng cần yêu cầu Kiev cung cấp băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa các nhân viên kiểm soát không lưu Ukraine và phi hành đoàn MH17 để làm sáng tỏ tấn thảm kịch.
Đáng chú ý, RIA Novosti dẫn một nguồn tin từ cơ quan an ninh Ukraine ngày 25-7 cho biết có thể máy bay Malaysia bị bắn trong thời gian các đơn vị tên lửa phòng không của Ukraine tập luyện hôm 17-7.
Hai chiếc Su-25 từ căn cứ không quân Kulbakino đã được cử tham gia tập luyện. Nhiều khả năng, ở một thời điểm nào đó, đường bay của MH17 và Su-25 bị chồng lên nhau. Dù bay ở các độ cao khác nhau, MH17 và Su-25 đều chỉ hiện một dấu chấm trên radar của hệ thống tên lửa. Trong 2 dấu chấm, hệ thống tự động chọn một mục tiêu lớn hơn.
Các cuộc tập trận với tên lửa Buk đã bị cấm kể từ năm 2001, khi một máy bay chở khách Tu-154 của Nga trên đường từ Novosibirsk đi Tel Aviv bị quân đội Ukraine bắn nhầm trong một cuộc tập trận.
Ukraine sau đó đã bác bỏ các thông tin trên. Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine Andrei Parubiy hôm 24-7 tuyên bố theo kết luận ban đầu của một nhóm chuyên gia quốc tế, máy bay Malaysia bị binh sĩ Nga bắn hạ bằng vũ khí của Nga.
Trong một diễn biến khác, nội các Ukraine hôm 25-7 chọn Phó Thủ tướng Vladimir Groisman làm thủ tướng lâm thời sau khi ông Arseniy Yasenyuk từ chức. Trước đó, Tổng thống Petro Poroshenko cho rằng chính phủ Ukraine, dưới sự đứng đầu của Thủ tướng Yasenyuk, phải tiếp tục nhiệm vụ.
Hãng Itar-Tass đưa tin trong bối cảnh chính phủ Ukraine bất ổn, Bộ trưởng Tài chính Alexander Shlapak cho biết đến ngày 1-8 tới, Ukraine sẽ không có gì để trả lương cho binh sĩ. Ông nhấn mạnh: “Hiện nay, quân đội đã yêu cầu thêm hơn 750 triệu USD. Ngoài ra, cũng cần thiết lập quỹ đặc biệt gần 590 triệu USD để tái thiết các khu vực ở miền Đông Ukraine”.
Bình luận (0)