Một thủ lĩnh ly khai ở Ukraine hôm 23-7 xác nhận lực lượng này có hệ thống tên lửa Buk và xuất xứ của nó có thể là Nga. Đây là lần đầu tiên phe ly khai thừa nhận điều này kể từ khi Mỹ khẳng định một hệ thống Buk đã được dùng để bắn hạ chiếc máy bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17-7.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Alexander Khodakovsky, Tư lệnh Tiểu đoàn Vostok, khẳng định: “Tôi biết một hệ thống Buk được đưa đến Donetsk từ Luhansk do Cộng hòa Nhân dân Luhansk cung cấp”. Theo ông, hệ thống này sau đó được trả lại để loại bỏ bằng chứng về sự hiện diện của nó.
Người dân Amsterdam - Hà Lan tuần hành tưởng niệm nạn nhân vụ rơi máy bay MH17 hôm 23-7
Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, ông cáo buộc Kiev cố tình khiêu khích để quân ly khai sử dụng tên lửa Buk. “Họ (chính phủ Ukraine) biết về sự hiện diện của hệ thống Buk, biết nó đang đi đến Snezhnoye (ngôi làng cách hiện trường máy bay rơi 10 km). Vậy mà họ vẫn khiêu khích bằng cách không kích một mục tiêu không cần thiết. Trong ngày hôm đó (17-7), họ liên tục triển khai máy bay trên bầu trời. Ngay khi máy bay dân dụng bay qua, họ mở cuộc không kích. Họ đã làm mọi thứ để bảo đảm một chiếc máy bay dân dụng bị bắn hạ…” - ông Khodakovsky chỉ trích.
Thông tin nêu trên được đưa ra giữa lúc báo The Telegraph (Anh) đưa tin tìm thấy nơi bị nghi là địa điểm phóng tên lửa nhằm vào MH17 nằm tại thị trấn Snezhnoye. Một bức ảnh do vệ tinh Mỹ chụp được cho thấy một tên lửa Buk dường như đã rời bệ phóng và lao tới MH17 cũng từ thị trấn này.
Không chấp nhận lời cáo buộc bị xem là vô căn cứ đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov hôm 24-7 thúc giục Mỹ cho xem bằng chứng về tuyên bố MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa phóng từ khu vực do quân ly khai Ukraine kiểm soát.
Trong khi đó, những thi thể đầu tiên trên MH17 đã được đưa về Hà Lan hôm 23-7. Khoảng 1.000 người thân của các nạn nhân cùng vua Willem-Alexander, hoàng hậu Maxima, Thủ tướng Mark Rutte và đại diện các quốc gia có công dân thiệt mạng đã có mặt tại sân bay Eindhoven - nơi cờ của 17 quốc gia có công dân thiệt mạng được treo rủ.
Ở Amsterdam, hàng ngàn người đã mặc đồ trắng tuần hành để tưởng nhớ 298 nạn nhân xấu số, trong đó có 193 người Hà Lan. Thủ tướng Rutte cho biết phải mất nhiều tháng mới xác định được danh tính của họ.
Quá trình điều tra đang được đẩy nhanh khi 2 chiếc hộp đen được chuyển tới Sở Điều tra tai nạn hàng không (AAIB) ở London - Anh. Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai hôm 24-7 cho biết các chuyên gia đã bắt đầu phân tích hộp đen của máy bay MH17. Trước đó, Ủy ban An toàn Hà Lan (OVV) xác nhận 2 hộp đen vẫn còn nguyên vẹn.
Bình luận (0)