Quan hệ Nga - Mỹ đã giảm xuống mức thấp mới trong thời hậu chiến tranh lạnh khi chính quyền Tổng thống Barack Obama hôm 3-10 quyết định từ bỏ nỗ lực hợp tác với Moscow để tìm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến Syria và lập mặt trận chung chống khủng bố ở đó.
Leo thang đấu khẩu
“Sẽ không có thêm cuộc đàm phán nào giữa Mỹ và Nga trong nỗ lực đạt thỏa thuận giảm bạo lực ở Syria. Điều đó thật bi kịch” - Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết. Quan chức này nói thêm Tổng thống Obama đã hết kiên nhẫn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby cáo buộc Nga và chế độ Tổng thống Bashar al-Assad chọn con đường quân sự, thể hiện qua việc tăng cường “tấn công các khu vực dân sự”, như bệnh viện, và cản trở hàng nhân đạo đến tay những người cần chúng.
Bệnh viện M10 ở TP Aleppo - Syria bị ném bom hôm 3-10 Ảnh: AMC
Đáp lại, Moscow cáo buộc Washington phá hoại thỏa thuận ngừng bắn Syria và cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ cuộc khủng bố mới nào tại quốc gia Trung Đông này. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ chưa bao giờ gây áp lực thực sự lên nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra (vừa đổi tên thành Mặt trận Fatah al-Sham) ở Syria, không có kế hoạch tấn công cũng như hành động chống lại các phần tử nhóm này. Thậm chí, Nga còn nói động thái trên của Mỹ cho thấy Washington sẵn sàng “thỏa hiệp với quỷ dữ”.
Một mặt bày tỏ sự hối tiếc trước thất bại của nỗ lực ngoại giao Nga - Mỹ, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura nhấn mạnh cơ quan này sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị ở Syria và không bao giờ bỏ mặc người dân Syria. Một nỗ lực như thế là bản dự thảo nghị quyết đang được Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận, theo đó tìm kiếm lệnh ngừng bắn tức thì ở TP Aleppo và kêu gọi chấm dứt mọi chuyến bay quân sự trên bầu trời thành phố này. Tuy nhiên, Nga đã lập tức bác bỏ yêu cầu ngưng mọi chuyến bay quân sự, cũng như nghi ngờ hiệu quả của dự thảo nghị quyết trong bối cảnh chiến sự leo thang tại Aleppo.
Lá bài mặc cả
Cục diện Syria càng thêm khó lường khi giới chức Mỹ tiết lộ Nga lần đầu tiên triển khai đến Syria một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến - động thái mới nhất cho thấy Moscow đang tăng cường hoạt động quân sự nhằm hỗ trợ chính quyền ông Assad. Theo kênh Fox News, các bộ phận của hệ thống chống tên lửa và máy bay SA-23 Gladiator, có tầm bắn xa khoảng 241 km, đã được chuyển đến một căn cứ hải quân Nga ở TP Tartus - Syria cuối tuần qua. Tuy nhiên, tên lửa SA-23 và các thiết bị liên quan hiện vẫn chưa được hoạt động.
Ngay trước khi Washington thông báo thôi “nói chuyện” với Moscow về tình hình Syria, Tổng thống Putin đã quyết định đình chỉ hiệp ước được ký với Mỹ vào năm 2000 nhằm loại bỏ toàn bộ số lượng plutonium dùng cho phát triển vũ khí hạt nhân. Lý do chính được Moscow đưa ra là Washington không tuân thủ thỏa thuận này. Đây cũng là dịp để Điện Kremlin phàn nàn về một loạt hành động không thân thiện của Mỹ nhằm vào Nga, từ áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow về vấn đề Ukraine, nhân quyền cho đến triển khai các lực lượng NATO ở vùng Baltic. Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Mỹ đã làm mọi thứ có thể nhằm phá hủy bầu không khí tin cậy, khuyến khích sự hợp tác.
Reuters nhận định động thái trên của Nga cho thấy Tổng thống Putin sẵn sàng sử dụng vấn đề giải giáp hạt nhân làm lá bài mặc cả trong các cuộc tranh cãi với Mỹ về vấn đề Ukraine và Syria. Điều này thể hiện qua những điều kiện Nga đưa ra để đổi lấy việc nối lại thỏa thuận giải trừ plutonium, như Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt Nga và bồi thường thiệt hại vì hành động này, giảm sự hiện diện quân sự tại các nước thành viên NATO ở Đông Âu xuống mức cách đây 16 năm… Tuy nhiên, Nhà Trắng tuyên bố không đáp ứng các điều kiện của Nga, đồng thời cảnh báo quyết định đình chỉ thỏa thuận sẽ khiến Moscow bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Bình luận (0)