Quan hệ Mỹ - Nga đang đối mặt thêm thử thách sau khi xảy ra vụ một máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland) bị buộc chuyển hướng và hạ cánh ở Belarus hôm 23-5. Đáng chú ý, sự cố trên diễn ra giữa lúc hai nước đang xúc tiến kế hoạch tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Washington và Moscow hiện vẫn còn bất đồng về một loạt vấn đề, từ an ninh mạng cho đến tình hình Ukraine. Dù vậy, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Reykjavik - Iceland hôm 19-5 đã đưa hai nước đến gần hơn hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên kể từ khi ông Biden vào Nhà Trắng đầu năm nay.
Đến ngày 24-5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev thảo luận về nhiều vấn đề tại cuộc gặp ở TP Geneva - Thụy Sĩ. Đây được xem là bước đi quan trọng trong tiến trình chuẩn bị cho cuộc gặp khả dĩ giữa hai ông Biden và Putin thời gian tới. Nhà Trắng cho biết thời điểm và địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh sẽ được thông báo sau. Tuy nhiên, giới chức Mỹ tiết lộ hai bên có ý muốn cuộc gặp diễn ra tại TP Geneva trong hai ngày 15 và 16-6.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Ryanair buộc phải hạ cánh ở thủ đô Minsk - Belarus hôm 23-5 Ảnh: Reuters
Chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga, nếu diễn ra, chắc chắn không thể thiếu vụ việc ở Belarus nói trên và lập trường khác nhau giữa hai bên đe dọa phủ bóng hơn nữa cuộc gặp.
Tổng thống Biden hôm 24-5 cho biết Mỹ lên án mạnh mẽ vụ việc, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ có "các lựa chọn phù hợp" để buộc những người liên quan phải chịu trách nhiệm, thông qua sự phối hợp chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU), các đồng minh, đối tác và tổ chức quốc tế khác.
Ông chủ Nhà Trắng cũng hoan nghênh các nỗ lực của EU nhằm áp đặt trừng phạt kinh tế lên Belarus. Theo trang Bloomberg, các nghị sĩ Mỹ đang thúc giục ông Biden ra lệnh Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấm máy bay Mỹ vào không phận Belarus.
Trái với phản ứng mạnh của EU và Mỹ, ông Lavrov hôm 24-5 cho rằng Belarus đã có cách tiếp cận "hoàn toàn hợp lý" và kêu gọi cộng đồng toàn cầu "tỉnh táo đánh giá tình hình". Trong khi đó, nghị sĩ Nga Leonid Kalashnikov tuyên bố Belarus có quyền lựa chọn những "phương pháp" mà họ cho là "khả thi và cần thiết" để chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng viết trên trang Facebook rằng "thật sốc" khi phương Tây gọi sự việc vừa xảy ra trên không phận Belarus là "cú sốc".
Theo giới phân tích, có thể hiểu được lập trường nói trên của Moscow trong vụ tranh cãi mới nhất này. Nga đang gia tăng ảnh hưởng tại Belarus và nhiều khả năng sẽ hưởng lợi nếu quan hệ giữa Minsk và phương Tây thêm nguội lạnh.
Belarus mang đến cơ hội để Nga tăng ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại khu vực trong bối cảnh Moscow vẫn đang căng thẳng với Washington và EU. Trong khi đó, Nga hiện là đối tác kinh tế và chính trị mạnh mẽ của Belarus, lâu nay vẫn ủng hộ chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko.
Tại cuộc gặp ông Lukashenko vào tháng 9-2020, ông Putin đồng ý cho Belarus vay 1,5 tỉ USD, đồng thời nhất trí tăng cường quan hệ thương mại song phương. Đây được xem là động thái ủng hộ của Nga dành cho nhà lãnh đạo Belarus trước sức ép từ làn sóng biểu tình đòi ông từ chức. Phe đối lập khi đó cáo buộc ông Lukashenko gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 8-2020 nhưng tổng thống Belarus đã bác bỏ cáo buộc này.
Trừng phạt thêm cũng không ăn thua?
Người phát ngôn Liên minh châu Âu (EU) hôm 24-5 cho biết 27 nhà lãnh đạo của khối đã nhất trí áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Belarus. Đáng chú ý, tất cả hãng hàng không của Belarus bị cấm bay qua không phận hoặc sử dụng sân bay trên lãnh thổ các nước thành viên EU. Khối này cũng kêu gọi Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) mở cuộc điều tra vụ chuyển hướng máy bay. Ngoài ra, EU sẽ đóng băng khoản đầu tư 3 tỉ euro cho Belarus.
Dù vậy, theo đài CNBC, một số nhà phân tích cho rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào nhằm vào Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hoặc các cá nhân, thực thể liên quan cũng khó đạt hiệu quả như kỳ vọng. Ông Emre Peker, chuyên gia Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), nhận định vụ việc có thể đẩy Minsk đến gần Moscow hơn. Sự can thiệp của Nga cũng góp phần làm phức tạp thêm khả năng ra đòn phản ứng hiệu quả của EU đối với Belarus.
Trong khi đó, một số nhà phân tích khác chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài trước đó không ảnh hưởng nhiều đến chính trường Belarus. EU từng áp đặt các biện pháp trừng phạt sau cuộc bầu cử gây tranh cãi của Belarus hồi tháng 8-2020. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của Nga cả về kinh tế lẫn chính trị, chính quyền ông Lukashenko đã trụ vững trước sức ép của các cuộc biểu tình và phương Tây.
Ông Matthew Sherwood, chuyên gia tại Công ty Economist Intelligence Unit (Anh), nhận định làn sóng trừng phạt mới sẽ không có tác động thật sự lên tình hình Belarus mà có thể thúc đẩy nước này tăng cường hơn nữa quan hệ với Nga. Riêng ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Công ty Bluebay Asset Management (Anh), nhận định vụ việc sẽ là phép thử lớn đối với EU lẫn phương Tây.
Xuân Mai
Bình luận (0)