xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quan hệ Mỹ - Trung thêm sóng gió

Hoàng Phương

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận với quốc hội rằng Hồng Kông không còn được hưởng quyền tự trị từ Trung Quốc

Quan hệ Trung Quốc - Mỹ đang đối mặt thêm sóng gió theo sau những động thái mới nhất liên quan đến Hồng Kông. Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC, tức quốc hội) hôm 28-5 thông qua nghị quyết về luật an ninh quốc gia dành cho Hồng Kông trong ngày họp cuối cùng. Theo sau bước đi này, Ủy ban Thường vụ NPC sẽ soạn thảo nội dung chi tiết của luật trên, có sự tham vấn với chính quyền Hồng Kông và Ủy ban Luật cơ bản tại đặc khu hành chính này.

Theo bản dự thảo trình lên NPC vào tuần rồi, luật nói trên sẽ nhằm đối phó những hành vi bị xem là nhằm chia rẽ, lật đổ chính quyền, các hoạt động khủng bố và sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình Hồng Kông, đe dọa đến nền pháp trị, chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia. Ngoài ra, theo báo The Straits Times (Singapore), các cơ quan an ninh quốc gia liên quan sẽ lập văn phòng tại Hồng Kông khi cần thiết. Các nhà phân tích cho biết luật trên có thể có hiệu lực trong vài tháng tới, sớm nhất là vào tháng 8.

Một số cuộc biểu tình phản đối động thái trên đã diễn ra tại Hồng Kông kể từ khi thông tin về dự luật được công bố. Nhà chức trách ở Trung Quốc và Hồng Kông tìm cách xoa dịu chỉ trích khi nhấn mạnh dự luật không đe dọa đến quyền tự trị của Hồng Kông, cũng như các quyền và sự tự do mà người dân đặc khu đang tận hưởng. Tuy nhiên, giới chức Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu vẫn lo ngại về tác động của dự luật đối với Hồng Kông, được xem là một trong những trung tâm tài chính của thế giới.

Quan hệ Mỹ - Trung thêm sóng gió - Ảnh 1.

Một màn hình hiển thị kết quả cuộc bỏ phiếu về luật an ninh quốc gia dành cho Hồng Kông tại cuộc họp của NPC hôm 28-5Ảnh: Reuters

Trước thềm cuộc bỏ phiếu trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bước đi chọc giận Bắc Kinh khi xác nhận với quốc hội rằng Hồng Kông không còn được hưởng quyền tự trị từ Trung Quốc, từ đó không còn đủ điều kiện để được đối xử đặc biệt theo luật pháp Mỹ. Theo Reuters, động thái này có nguy cơ giáng đòn mạnh vào vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính lớn của thế giới, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và tài chính của đặc khu này.

Nhờ những ưu đãi Mỹ dành cho Hồng Kông lâu nay, thành phố này đã trở thành đối tác thương mại lớn của Washington. Ngoài ra, hơn 1.300 công ty Mỹ hiện có văn phòng tại Hồng Kông, mang lại hơn 100.000 việc làm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết công bố hành động trả đũa Trung Quốc vì dự luật an ninh quốc gia nói trên trong tuần này. Ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, hôm 27-5 cho biết ông chủ Nhà Trắng có một danh sách dài các phản ứng tiềm năng, trong đó có siết chặt thị thực và trừng phạt kinh tế. Ông Stilwell không tiết lộ thêm chi biết mà chỉ nhấn mạnh một mục tiêu của các biện pháp trừng phạt là không tác động nhiều đến người dân Hồng Kông và các doanh nghiệp Mỹ.

Theo Reuters, những bước đi đầu tiên có thể là trừng phạt các quan chức, cơ quan an ninh và công ty Trung Quốc có liên quan đến việc thực thi dự luật được đề xuất. Ngoài ra, chính quyền ông Donald Trump có thể hoãn thuế suất ưu đãi dành cho hàng hóa Hồng Kông xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ có sẵn sàng hủy bỏ quy chế kinh tế đặc biệt của Hồng Kông. Theo trang Politico, một quyết định như thế có thể gây tổn thất cho Trung Quốc nhưng cũng khiến Hồng Kông và các công ty Mỹ thiệt hại. Tùy thuộc những bước đi tiếp theo của ông Donald Trump, theo một số chuyên gia, Hồng Kông có thể bị lôi kéo vào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách cản trở hoạt động của các công ty Mỹ, như đưa họ vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy" hoặc dựng thêm rào cản nhằm vào họ. 

Lựa chọn khó của Washington

Vai trò của Hồng Kông đối với đại lục hiện không còn quan trọng như trước. Trong năm 2019, 12% hàng xuất khẩu Trung Quốc đi đến hoặc qua Hồng Kông, giảm mạnh so với con số 45% của năm 1992. Dù vậy, đặc khu này vẫn có ý nghĩa đối với Bắc Kinh vì đang là nơi đặt văn phòng của nhiều ngân hàng và công ty tài chính, thương mại quốc tế. Việc Mỹ hủy bỏ quy chế kinh tế đặc biệt dành cho Hồng Kông, nếu có, sẽ là sự khởi đầu cho "cái chết của Hồng Kông mà chúng ta từng biết", Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc SOAS thuộc Trường ĐH London (Anh) Steve Tsang nhận định với trang Bloomberg.

"Nếu Mỹ đối xử với Hồng Kông không khác gì những thành phố khác của Trung Quốc, tại sao các công ty xếp hạng tín nhiệm và giới đầu tư không làm điều tương tự?" - Ngân hàng Deutsche (Đức) đặt câu hỏi, đồng thời lưu ý rằng Công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ) đã xếp Hồng Kông trên Trung Quốc 3 bậc, trong khi 2 công ty Moody’s (Mỹ) và Fitch (Mỹ) đều xếp Hồng Kông trên 1 bậc.

Với Mỹ, quy chế kinh tế đặc biệt của Hồng Kông cũng đóng vai trò quan trọng khi giúp các công ty nước này tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách khá an toàn. Theo Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS), thặng dư thương mại lớn nhất của Mỹ trong năm 2018 là với Hồng Kông - 31,1 tỉ USD. Năm đó, khoảng 290 công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông và 434 công ty khác có văn phòng tại thành phố này - theo CRS.

Cao Lực

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo