Khi Trung Quốc công khai chính sách Bắc Cực đầu tiên của mình, một yếu tố thú vị mà Bắc Kinh và Ottawa dường như không để ý: Canada, một trong những cường quốc Bắc Cực, đang gần gũi Trung Quốc không kém gì Úc, nếu không muốn nói là gần hơn.
Nếu Canada chỉ mới bắt đầu suy nghĩ về tương lai chiến lược của mình ở châu Á trong thế kỷ XXI, nước này vẫn còn bị ràng buộc tâm lý vào Mỹ và sự thất thường của chính quyền Tổng thống Donald Trump - đặc biệt là chuyện tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Chính sách Bắc Cực đầu tiên cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu tích cực hình dung về tương lai Canada. Cuối tháng 1 vừa qua, nước này thông báo sẽ khuyến khích các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng và thử nghiệm những chuyến đi thương mại nhằm "mang lại các cơ hội cho Bắc Cực". Trung Quốc kêu gọi tăng cường nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường tại vòng Bắc Cực, qua đó để lộ mối quan tâm đến việc khai thác nguồn tài nguyên và tham gia quản lý ở đó.
Trong văn kiện chính sách về Bắc Cực của Trung Quốc, có một lập trường tạo ra mối quan ngại chiến lược đối với Canada. Theo đó, Bắc Kinh xem Hành lang Tây Bắc (tuyến đường đi qua Bắc Băng Dương, dọc bờ biển phía Bắc của lục địa Bắc Mỹ qua các quần đảo Bắc Cực của Canada để kết nối Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương) là một eo biển quốc tế. Điều này đi ngược lại quan điểm lâu đời của Ottawa rằng tuyến đường biển này tạo thành vùng lãnh hải bên trong Canada theo luật pháp quốc tế.
Lập trường của Bắc Kinh về Hành lang Tây Bắc không khác với quan điểm của Washington. Trong khi đó, cả Ottawa và Moscow, thủ đô của 2 cường quốc lớn nhất tuyên bố chủ quyền tài nguyên tiềm tàng ở Bắc Cực, đều chống lại việc xem cả Hành lang Tây Bắc lẫn tuyến đường biển Bắc là "eo biển quốc tế". Cả hai tuyến đường biển này đều là những điểm quá cảnh có tiềm năng sinh lợi nhiều, có thể giảm thời gian vận chuyển giữa châu Á và châu Âu, chưa kể giữa châu Á và nhiều khu vực ở Bắc Mỹ.
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc dỡ hàng trên băng ở Bắc Cực Ảnh: TÂN HOA XÃ
Những mối quan tâm chung về môi trường, khoa học, kinh tế, ngư nghiệp, du lịch, vận tải và các chính sách khác - được nêu rõ trong văn kiện về Bắc Cực của Trung Quốc, trong đó có cái gọi là Con đường tơ lụa vùng cực - tạo cơ sở dễ dàng cho một mối quan hệ Trung Quốc - Canada thực dụng ở Bắc Cực, đồng thời tăng cường hợp tác xử lý một loạt vấn đề, thách thức trong và ngoài nước. Cả hai nước này đều đang xem xét một thỏa thuận thương mại tự do chính thức nhưng mục tiêu dễ đạt hơn, bao gồm đẩy mạnh đối thoại nhân dân trong những lĩnh vực khoa học, chính quyền và doanh nghiệp.
Canada cũng cần điều chỉnh tư duy để hiểu rằng việc quản lý biên giới Bắc Cực của nước này chắc chắn đòi hỏi sự cam kết chiến lược sâu xa tương tự Nga. Vây quanh Canada giờ đây là các cường quốc, tất cả đều có vũ khí hạt nhân: Mỹ, Trung Quốc, Nga và châu Âu (ACRE). Thế nhưng, Canada chỉ có 110.000 người sinh sống khắp Bắc Cực. Không chỉ cần thêm nhiều triệu người trong khu vực này để quản lý biên giới, Canada còn sẽ đòi hỏi một dân số đông hơn nhiều để tránh đỡ những áp lực mạnh mẽ tiềm tàng của cuộc chơi ACRE.
Canada đang chứng kiến cuộc tranh luận toàn quốc về chuyện tăng dân số từ 36 triệu lên 100 triệu người vào năm 2100. Đối với Trung Quốc, 100 triệu người có thể không phải là con số quá ấn tượng. Với số dân như vậy, Canada sẽ trở thành quốc gia lớn thứ hai ở phương Tây - chỉ sau Mỹ - nhưng đông dân hơn mọi nước châu Âu. Thực vậy, một đất nước có từ 100 triệu dân trở lên như Canada sẽ trở thành một thế lực ở châu Á, giống như Trung Quốc trở thành một thế lực ở Bắc Cực.
Điều này có nghĩa là việc bàn bạc giữa Trung Quốc và Canada trong những thập kỷ sắp tới, kể cả mọi vấn đề về Bắc Cực, có thể được xem là cuộc đối thoại giữa 2 quốc gia quan trọng trên toàn cầu, mỗi bên đều có những điểm mạnh và điểm yếu rõ rệt. Trong lúc Canada học hỏi việc hoạch định và lối suy nghĩ dài hơi của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tìm hiểu những sắc thái của chế độ liên bang và sự phân quyền của Ottawa...
Bình luận (0)