Cá hề được nhiều người biết đến hơn sau bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Đi tìm Nemo".
Một nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) đã trải qua hơn 10 năm quan sát loài cá hề sống cộng sinh với hải quỳ quanh đảo Kimbe – khu vực ngoài khơi phía Đông Papua New Guinea (quốc gia ở Thái Bình Dương). Cuối cùng, họ cùng nhiều nhà khoa học khác đi tới kết luận loài cá này rất kén chọn bạn tình.
Theo thông báo ngày 25-11, nhóm nghiên cứu trên cho rằng cả hải quỳ và cá hề đều sống dựa vào những rạn san hô - nơi đang bị biến đổi môi trường đe dọa. Nước biển ấm và tình trạng ô nhiễm cùng sự xâm nhập của con người đều có thể giết chết san hô.
Cá hề sống cộng sinh với hải quỳ trong rạn san hô. Ảnh: Aquarium Gallery
"Một quần thể có khả năng sinh sản tốt hay không phụ thuộc vào khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường sống. Chu kỳ sinh sản đặc biệt của cá hề lại cần diễn ra trong môi trường ổn định, lành tính" – nhà nghiên cứu Benoit Poujol của CNRS nói.
"Cá hề lại không có biến thể di truyền cho phép nó điều chỉnh phương pháp sinh sản trong trường hợp môi trường biến đổi".
Mỗi con hải quỳ là "nhà" của một con cá hề cái và một con cá hề đực hoạt động tình dục; ở cùng còn có một vài con cá hề đực khác không hoạt động tình dục. "Khi con cái chết, con đực biến thành con cái và hoạt động tình dục với con đực lớn nhất trong đàn" - ông Poujol nói.
Hội đồng Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu năm 2018 đã cảnh báo: Nước biển nóng lên thêm 1,5oC sẽ khiến ít nhất 70% rạn san hô biến mất. Còn nếu nước biển nóng lên thêm 2oC, các hệ sinh thái san hô dưới đáy biển sẽ bị xóa sổ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của cá hề.
Bình luận (0)