Tháng trước, Thủ tướng Anh Theresa May đến Washington và có cuộc gặp mặt với tân tổng thống Mỹ. Bà May đã mời ông Trump tới thăm London trong một chuyến thăm cấp nhà nước.
Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow, lấy lý do ông Trump ban hành sắc lệnh cấm tạm thời người nhập cư từ 7 nước Hồi giáo vào Mỹ gần đây, tuyên bố sẽ ngăn cản tân tổng thống Mỹ phát biểu trước Quốc hội Anh.
“Tôi không muốn mời ông Trump phát biểu tại Thư viện Hoàng gia” – ông Bercow nói tại một phiên họp Quốc hội. “Tôi phản đối sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền bình đẳng trước hệ thống tư pháp và pháp luật”.
Tuy nhiên, ông Bercow thừa nhận mình không đủ thẩm quyền để quyết định mời hay không mời ông Trump đến Anh. Nhưng ông nhấn mạnh sẽ “phản đối mạnh mẽ” nếu ông Trump phát biểu trước Quốc hội.
Nhiều nghị sĩ Anh, trong đó có ông Dennis Skinner, ủng hộ tuyên bố của ông Bercow. Cũng có người chỉ trích, đáng chú ý là cựu lãnh đạo đảng Độc lập Nigel Farage - được biết đến là một đồng minh của ông Trump. Vị này viết trên Twitter rằng ông Bercow nên theo đường lối trung lập.
Lời mời của Thủ tướng May làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong nước. Một thỉnh nguyện thư thu hút khoảng 1,8 triệu chữ ký nhằm phản đối ông Trump tới Anh đã được gửi đến Quốc hội. Trường hợp này, do số lượng chữ ký vượt quá yêu cầu 100.000 chữ ký cần thiết, nên sẽ được Quốc hội Anh thảo luận vào cuối tháng này.
Song song đó, hồi tuần trước, hàng ngàn người biểu tình đổ xuống đường phố ở London và các thành phố khác trên khắp nước Anh để phản đối sắc lệnh hành pháp cấm người nhập cư của ông Trump. Ước tính khoảng 10.000 người biểu tình tập trung trước số 10 đường Downing – nơi cư trú của Thủ tướng May.
Đài ABC News cho biết phát biểu trước Quốc hội được xem là một vinh dự lớn đối với các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Anh. Chỉ có một vài tổng thống Mỹ nhận được vinh dự này trong vài thập kỷ qua, gồm Tổng thống Ronald Reagan năm 1982, Tổng thống Bill Clinton năm 1995 và Tổng thống Barack Obama năm 2011.
Bình luận (0)