Theo công ty an ninh mạng trực tuyến Kaspersky Lab (Nga), số vụ tấn công của tin tặc từ Trung Quốc vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của Nga như quốc phòng, năng lượng hạt nhân và hàng không đã tăng gần gấp 3 lần, lên tới 194 vụ trong 7 tháng đầu năm 2016 so với 72 vụ trong năm 2015. Công ty an ninh mạng Proofpoint của Mỹ cũng công bố báo cáo cho thấy sự gia tăng rõ rệt của các vụ tấn công mạng từ Trung Quốc nhằm vào Nga.
Trang Bloomberg hôm 26-8 dẫn lời ông Alexander Gostev, chuyên gia an ninh trưởng của Kaspersky Lab, nói rằng các vụ xâm nhập mạng từ Trung Quốc vẫn tiếp diễn dù quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và Moscow đang được thúc đẩy hơn bao giờ hết và thậm chí giữa 2 chính phủ đã có một hiệp định chính thức về an ninh mạng, hợp tác và không gây hấn từ năm ngoái.
Ông cho biết cộng đồng chuyên gia tin rằng những cuộc tấn công mạng hoặc có sự tài trợ hoặc chấp thuận của các cơ quan chính phủ Trung Quốc và trong một số trường hợp do các tin tặc quân đội tiến hành. Mục tiêu của họ là do thám trên mạng, không phải trục lợi tài chính.
Cũng theo vị chuyên gia an ninh mạng số 1 của Kaspersky Lab, các hoạt động đen tối nhằm vào Nga nói trên gia tăng sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thỏa thuận cam kết không tiến hành các hoạt động gián điệp kinh tế trên không gian mạng hồi tháng 9-2015. Báo cáo từ công ty an ninh máy tính FireEye Inc. (Mỹ) hồi tháng 6 vừa qua cho thấy các vụ tấn công nhằm vào Mỹ từ các nhóm tin tặc Trung Quốc giảm mạnh trong 1 năm qua.
Theo Bloomberg, cơ quan quản lý không gian mạng CAC trực thuộc nhà nước của Trung Quốc không đưa ra bất cứ phản hồi nào khi được hỏi về những vụ tấn công do Kaspersky Lab công bố. Các phần mềm độc hại sử dụng trong các vụ tấn công này bao gồm hơn 50 nhóm virus trojan và chúng đã xâm nhập 35 công ty và cơ quan nghiên cứu trong năm nay, theo ước tính của Kaspersky Lab. Trong số đó có 7 doanh nghiệp quân sự chuyên về tên lửa, radar và công nghệ hải quân, 5 bộ trong chính phủ, 4 doanh nghiệp hàng không và 2 công ty liên quan tới công nghiệp hạt nhân. “Hầu hết cơ quan trong ngành quốc phòng Nga đã bị tấn công bởi các nhóm Trung Quốc gần đây và đều mất thông tin” - ông Gostev nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đang tính toán các biện pháp đối phó NetTraveler - một loại trojan dính líu tới Trung Quốc được sử dụng để do thám các nhà sản xuất vũ khí và đe dọa an ninh quốc gia, tạp chí SC đưa tin hồi tháng 6. Tạp chí này tiết lộ hãng sản xuất xe tăng Uralvagonzavod và Russian Helicopters nằm trong số các “con mồi” của tin tặc Trung Quốc.
Bình luận (0)