Quốc vương Sihamoni đã gửi thư cho Thủ tướng Hun Sen, lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và ông Sam Rainsy, lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), yêu cầu họ cùng vào cung điện hoàng gia sáng 14-9 để “giải quyết vấn đề quốc gia”.
Ông Hun Sen đã tuyên bố tuân theo chỉ dụ của Quốc vương. Trong khi đó, đến tối 12-9 phe đối lập vẫn chưa có phản ứng chính thức nào. Các nhà phân tích chính trị tại Phnom Penh cho rằng chỉ dụ là một tín hiệu rất tích cực nhằm ngăn chặn biểu tình của CNRP, tiến tới thỏa hiệp giữa hai đảng vì hòa bình của Campuchia.
Cả ông Hun Sen lẫn ông Sam Rainsy đều giáp mặt nhau tại phòng chờ VIP của sân bay quốc tế Phnom Penh chiều 11-9 trong khi chờ Quốc vương Sihamoni trở về từ Trung Quốc. Thế nhưng, cả hai không chào hay bắt tay nhau.
Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni (giữa) được chào đón sau khi trở về từ Trung Quốc.
Ảnh: THE CAMBODIA DAILY
Động thái này của nhà vua được đưa ra chỉ vài giờ sau khi CNRP kêu gọi người ủng hộ tham gia biểu tình kéo dài 3 ngày nhằm phản đối kết quả bầu cử. “CNRP sẽ tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa lớn vào ngày 15, 16, 17 tại công viên Tự do ở thủ đô Phnom Penh để yêu cầu thiết lập một ủy ban độc lập điều tra kết quả bầu cử bất thường” - CNRP tuyên bố. Theo đó, cuộc biểu tình giới hạn trong vòng 10.000 người và có thể tổ chức từ 6 giờ đến 18 giờ.
Tuy nhiên, tối 12-9, Bộ Nội vụ Campuchia cho biết chỉ cho phép CNRP biểu tình bất bạo động trong vòng 1 ngày ở công viên trên, không được lập trại hoặc tuần hành qua các đường phố ở thủ đô Phnom Penh. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sar Kheng khẳng định phe đối lập không được biểu tình trong ngày 16 và 17-9 vì trong 2 ngày này ở Phnom Penh và các tỉnh đang diễn ra kỳ thi trung học phổ thông.
Quốc vương Sihamoni dự kiến sẽ triệu tập phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới vào ngày 23-9. Trong khi đó, ông Sam Rainsy đe dọa tẩy chay kỳ họp đầu tiên nếu không có “giải pháp thích hợp” đáp ứng yêu cầu của CNRP.
Cũng trong ngày 12-9, Hội đồng Hiến pháp Campuchia ra tuyên bố đã giải quyết dứt điểm các đơn kiện liên quan tới bầu cử và cảnh báo người nào cố tình không tôn trọng quyết định của Hội đồng Hiến pháp hoặc có hành vi cản trở các hoạt động của Hội đồng Hiến pháp sẽ bị truy tố bắt giam từ 1 tháng đến 1 năm và bị phạt tiền từ 100.000 - 600.000 Riel (25 - 150 USD).
Cùng ngày, CNRP đã đệ đơn lên tòa án Phnom Penh, kiện đích danh Chủ tịch NEC Im Suasday, Tổng thư ký NEC Tep Nytha, Giám đốc điều hành Hoeu Rong và các quan chức khác của NEC, về tội "lừa dối người dân" trong cuộc bầu cử Quốc hội.
Chủ tịch NEC Im Suasday cho biết việc kiện tụng là quyền của CNRP và ông sẵn sàng chờ đợi ý kiến từ tòa án. Ông Im Suasday khẳng định NEC không làm gì sai trái trong phạm vi quyền hạn của mình.
Bình luận (0)