Hệ thống tài phiệt Ukraine - nổi lên vào cuối những năm 1990 như một hệ quả của sự cộng sinh giữa quyền lực và công việc kinh doanh lớn - nay lại một lần nữa thể hiện khả năng tồn tại phi thường và năng lực vô hạn để thông qua những tình huống chính trị đổi thay.
“Tay chơi” nhiều ảnh hưởng
Theo trang Carnegie Europe, các nhóm tài phiệt không biến mất sau các cuộc biểu tình chống chính phủ (Euromaidan) thời điểm 2013-2014 mà đã tiến triển để tìm ra “tiếng nói chung mới” với chính quyền mới. Sau khi được bầu làm tổng thống Ukraine tháng 6-2014, ông Poroshenko từng tuyên bố: “Nhiệm vụ chủ yếu mà tôi khởi đầu là phi tài phiệt hóa nền kinh tế đất nước. Chúng ta cố gắng thiết lập trật tự đất nước nhưng giới tài phiệt đang gây hỗn loạn”.
Đó chính là một trong những lời hứa loại bỏ tầm ảnh hưởng của các tài phiệt ở nước này. Tuy nhiên, phát biểu mạnh miệng của ông Poroshenko đã không được thực hiện bằng những biện pháp thực tế.
Giới tài phiệt đã có thể giành được vị thế là những “tay chơi” trong chính trường và nền kinh tế Ukraine do một số yếu tố. Trước hết, sự thống trị của các tài phiệt trong các khu vực chiến lược nhất định của nền kinh tế trái ngược hẳn với sự yếu thế của các cơ quan chính phủ trung ương - vốn không tạo ra được phe phái chính trị kết dính và thường bất đồng về quyền lợi. Giới tài phiệt chiếm được ưu thế từ những mối bất hòa đó và khó bị quản lý bởi một hệ thống quan liêu, tham nhũng và thiếu hiệu quả. Từ đó, họ trở thành một thế lực có tổ chức tốt.
Nguồn gốc then chốt quyền thế của các tài phiệt Ukraine là khối tài sản mà họ đã nắm trong tay. Để hiểu được hiện tượng này, cần phải chú ý một vài con số. Theo cuộc thăm dò các công ty lớn nhất ở Trung và Đông Âu gần đây, có đến 64% công ty Ukraine đang nằm trong quyền kiểm soát của giới đầu tư tư nhân địa phương.
Trong khi đó, không một quốc gia nào khác trong khu vực này lại có vốn đầu tư tại địa phương mạnh như ở Ukraine. Chẳng hạn, giới đầu tư địa phương kiểm soát 29,4% vốn các công ty lớn nhất ở Ba Lan, 23,2% ở Cộng hòa Czech và 3% ở Hungary. Đồng thời, phần góp vốn của nước ngoài trong các doanh nghiệp Ukraine ở mức thấp nhất trong số các công ty Trung và Đông Âu, chỉ 12% (so với 18,1% ở Croatia, 54,4% ở Ba Lan, 83,2% ở Hungary).
Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố phi tài phiệt hóa nền kinh tế Ukraine Ảnh: EPA/UPG
Yếu tố thứ hai là các nhóm tài phiệt Ukraine còn có trong tay những dụng cụ đầy quyền lực để bảo vệ vị trí của họ, đặc biệt là kiểm soát hàng chục thành viên quốc hội và sở hữu gần như toàn bộ các đài truyền hình lớn. Các kênh truyền hình lớn đều thuộc quyền sở hữu chủ yếu của 4 tài phiệt Igor Kolomoyskyi, Dmytro Firtash, Viktor Pinchuk và Rinat Akhmetov. Họ nắm gần 80% thị trường truyền hình Ukraine.
Yếu tố thứ ba là bất kỳ hành động phi tài phiệt hóa Ukraine nào nhằm tước đoạt ảnh hưởng của các nhà tài phiệt mạnh nhất, kể cả bằng cách truy tố họ, sẽ khó có thể thực hiện được. Trong khi đó, khu vực miền Đông nước này đang diễn ra chiến tranh với phe ly khai. Những nỗ lực như vậy sẽ không tránh khỏi tình trạng dẫn đến khơi mào xung đột chính trị do kích động hành động trả đũa từ các nhà tài phiệt nắm quyền kiểm soát nhiều khu vực kinh tế, gây bất ổn nghiêm trọng tình hình Ukraine.
Yếu tố thứ tư và quan trọng nhất, hệ thống tài phiệt Ukraine đã gia nhập liên minh chiến thuật với các bộ phận trong tầng lớp tinh hoa chính trị thời hậu Euromaidan - vốn cần sự ủng hộ của họ nhưng quá yếu hoặc thiếu ý chí chính trị để làm xói mòn vị thế của các tài phiệt. Điều này đã giúp các nhà tài phiệt giành được nhiều ảnh hưởng về chính trị và kinh doanh.
Không suy yếu
Ba năm sau cuộc cách mạng Euromaidan, các nhà tài phiệt vẫn là một thành phần thường trực trong chính trường Ukraine, với tất cả hậu quả tiêu cực đối với quá trình cải cách chỉ mới bắt đầu diễn ra. Cuộc cải cách khu vực khí đốt - một trong những cuộc cải cách thành công nhất ở Ukraine thời hậu Euromaidan mặc dù chưa được thực hiện hoàn toàn - loại bỏ được nguồn gốc thu nhập tham nhũng chính đối với giới cầm quyền nhưng không làm suy yếu hệ thống tài phiệt.
Trong khi các nhà tài phiệt thời tiền Euromaidan vẫn duy trì được nhiều ảnh hưởng, giới hoạt động chính trị và kinh doanh mới có thể được gọi là “tài phiệt” đã bắt đầu nổi lên song song với giới lãnh đạo Ukraine. Do mối liên hệ gần gũi với hầu hết nhà lãnh đạo cấp cao ở Ukraine, thành viên các nhóm này đã nắm quyền kiểm soát nhiều công ty thuộc quyền sở hữu của nhà nước và đang cố xây dựng những cơ sở tài chính, kinh doanh riêng. Nỗ lực của họ được động viên bởi một nguyên tắc thâm căn cố đế trên chính trường Ukraine: Thế lực chính trị tùy thuộc vào giá trị tài sản doanh nghiệp của bất kỳ đương sự nào.
Báo Korrespondent nhấn mạnh các tài phiệt cắm rễ trong hệ thống chính trị Ukraine sâu đến mức hầu như không một quyết sách nào có thể được thông qua mà không có sự tham gia của họ. Theo đó, sẽ không có chuyện trong thời gian tới, các nhà tài phiệt sẽ bị mất đi ảnh hưởng đến chính sách của Ukraine.
Dường như hệ thống tài phiệt Ukraine - được đánh giá là hiện tượng tiêu cực - lâu nay không được phương Tây hoàn toàn công nhận và vì thế đã bị bỏ qua và vẫn ít được nghiên cứu. Tuy vậy, chuyên gia cấp cao Wojciech Konończuk ở Warsaw - Ba Lan nhận định rằng nếu không làm sáng tỏ các hoạt động hậu trường của các nhà tài phiệt thì sẽ không thể hiểu được các cơ chế thực sự đang vận hành trên chính trường Ukraine.
Đe dọa Thống đốc Ngân hàng
Theo hãng tin Tass, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Ukraine Valerya Gontareva ngày 26-3 vừa qua đã tuyên bố bị các nhà tài phiệt nước này “kiên trì quấy rối” và một trong số đó đã đe dọa sử dụng bạo lực với bà. Tuy nhiên, bà đã không tiết lộ tên của nhà tài phiệt này. Bà Gontareva cũng than phiền “có hàng tấn thông tin giả” nhắm vào bà.
Trước đó, Cục Chống tham nhũng quốc gia Ukraine đã bắt đầu điều tra vụ án hạ thấp giá trị tài sản 68 ngân hàng nước này cũng như khả năng dính líu của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước. Cuối năm 2016, sau phiên họp Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, chính phủ nước này đã thông qua quyết định quốc hữu hóa Ngân hàng PrivatBank thuộc về nhà tài phiệt Igor Kolomoysky.
Kỳ tới: Nỗi đau thật sự
Bình luận (0)