Từ khi cuộc cách mạng Euromaidan 2014 kết thúc bằng vụ nổ súng ngay giữa trung tâm thủ đô Kiev và vị tổng thống lúc ấy là Viktor Yanukovich bỏ chạy sang Nga, các nhà tài phiệt Ukraine vẫn còn nắm giữ vận mệnh kinh tế - chính trị nước này.
Thao túng quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) Oksana Syroyid mới đây tuyên bố cơ quan lập pháp nước này nằm trong vòng kiểm soát của 5 nhà tài phiệt có tài sản lớn. Họ sở hữu các kênh truyền hình lớn và thậm chí còn điều khiển một số nhà lập pháp.
Phát biểu trên kênh EspresoTV, bà Syroyid cho biết 5 nhà tài phiệt này là Igor Kolomoisky, Rinat Akhmetov, Viktor Pinchuk, Dmytro Firtash và Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko. Trong đó, nhà tài phiệt Rinat Akhmetov - người giàu nhất Ukraine, thân cận với cựu tổng thống Yanukovich - có thể có ảnh hưởng đối với 20 đại biểu quốc hội Ukraine (so với 27 vị trong khóa trước) - theo trang Ukraine Crisis.
Sau khi chính quyền ông Yanukovich sụp đổ, vai trò nhà tài phiệt đầu đàn đã được chuyển cho Igor Kolomoisky, từng là thống đốc vùng Dnipropetrovsk. Tại vùng này, Kolomoisky đã chi tiền thành lập tiểu đoàn phòng vệ dân sự địa phương và chỉ định bạn bè thân thiết nắm giữ chức vụ lãnh đạo công ty đường ống dẫn dầu UkrTransNafta thuộc sở hữu nhà nước. Kênh truyền hình 1+1 TV của ông ta cũng là một thành tố quan trọng trong cuộc tuyên truyền dịp bầu cử quốc hội năm 2014.
Mùa xuân 2015, Kolomoisky đã thách thức chính phủ khi từ chối thay đổi ban lãnh đạo ở UkrTransNafta và Công ty Dầu khí UkrNafta. Nhà tài phiệt này còn vi phạm thế độc quyền của tổng thống Ukraine về sử dụng vũ khí khi đưa các tay súng vào trụ sở UkrTransNafta và UkrNafta để bảo vệ quyền lợi của mình. Kết quả vụ đối đầu này là Kolomoisky mất chức thống đốc và bị buộc phải ẩn dật một thời gian ở Thụy Sĩ, nơi gia đình ông ta sinh sống suốt 20 năm qua.
Tất cả đã thay đổi khi Tổng thống Poroshenko thành công trong việc cách chức thủ tướng đối với ông Arseniy Yatsenyuk. Cuộc khủng hoảng chính phủ kéo dài đã kết thúc bằng việc bổ nhiệm ông Vladimir Groisman, người trung thành với ông Poroshenko, làm thủ tướng nhưng với giá khá cao. Do không thể chiếm đa số ghế tại quốc hội, liên minh cầm quyền nhất thiết phải tìm thêm phiếu trong việc hình thành 2 nhánh tài phiệt với những danh xưng nghe thật kêu: Vozrozhdeniye (Phục hưng) và Volya Naroda (Ý chí nhân dân) - các thành viên không chính thức của họ.
Việc tìm phiếu này đã đem lại “thỏa thuận ngừng bắn” giữa 2 nhà tài phiệt lớn Poroshenko và Kolomoisky. Ông Kolomoisky đã sử dụng phiếu của những tay chân trong quốc hội để ủng hộ việc bổ nhiệm ông Groisman làm thủ tướng. Chưa hết, số phiếu của các đại biểu phục tùng Kolomoisky đã giúp Ukraine có vị tổng chưởng lý mới sung sức, ông Yuri Lutsenko.
Nhóm tài phiệt thứ hai ủng hộ chính phủ Groisman, gồm các nhà tài phiệt trong lĩnh vực khí đốt, đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty khí đốt UkrGazDobycha thuộc sở hữu nhà nước. Họ nắm quyền kiểm soát công ty ngay sau Euromaidan và đã thành công trong việc gửi tài sản của mình vào ngân hàng thuộc về 7 đại biểu quốc hội.
Mua phiếu
Xì-căng-đan đã nổ ra tại quốc hội Ukraine sau khi nhà tài phiệt Alexander Onishenko - doanh nhân nổi tiếng và là cựu đại biểu quốc hội, đã chuyển đến Anh - tiết lộ rằng ở quốc hội có hiện tượng mua phiếu thông qua chính quyền của Tổng thống Poroshenko.
“Gần 70 đại biểu quốc hội Ukraine bán lá phiếu của họ. Với các cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt, giá mỗi lá phiếu dao động 20.000-100.000 USD, tùy vào cá nhân đại biểu. Cần phải mặc cả căn cứ từng trường hợp riêng biệt - đó là điều tôi từng thực hiện trong suốt mấy năm làm việc với đội ngũ của ông Poroshenko. Tôi mặc cả và tổ chức những cuộc bỏ phiếu thương mại có lợi cho tổng thống” - trang tin Strana.ua trích lời ông Onishenko.
Ở đây, cần nhắc đến nơi làm việc của các đại biểu quốc hội Ukraine. Đó là những dãy ghế dài giống nhau, dễ khiến người ta nhầm lẫn. Mỗi đại biểu có 3 nút nhấn màu sắc khác nhau để sử dụng khi bỏ phiếu, 1 chiếc bàn hẹp và 1 chiếc ghế phủ nhung đỏ tía. Những chỗ ngồi này trông có vẻ êm ái nhưng thực ra chúng cứng như ghế gỗ. Sau nhiều năm sử dụng, lớp nệm tổng hợp bị phân hủy và lớp nhung bọc tổng hợp đã thấm đẫm mồ hôi của mấy thế hệ chính khách tại quốc hội Ukraine.
Trong khi đó, phòng tranh luận của quốc hội Ukraine được mệnh danh là câu lạc bộ tài phiệt lớn nhất châu Âu. Theo trang Open Democracy, để trở thành thành viên của cơ quan riêng biệt này, nhiều đại biểu sẵn sàng chi đến 5 triệu USD hoặc hối lộ cho một vị thủ lĩnh đảng hay mua phiếu cử tri trong khu vực bầu cử của họ.
Phòng tranh luận luôn ồn ào đến mức không thể ngờ. Các đại biểu không ngồi yên ở chỗ của mình mà tụ lại với nhau thành từng nhóm 2-3 người. Các vụ xô xát xảy ra thường xuyên.
Cuối năm 2016, một thành viên đảng của Tổng thống Poroshenko đã kéo Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk ra khỏi chỗ ngồi và cố dùng sức lôi ông này khỏi diễn đàn. Ông Yatsenyuk đứng trơ ra như phỗng cho đến khi những người cùng đảng với ông chạy đến hỗ trợ và sau đó đã xảy ra một trận tranh cãi lớn. “Trong quốc hội có nhiều người như trẻ nít” - ông Yatsenyuk bình luận ngay sau đó.
Trong số các đại biểu hay xô xát có thể kể đến Andriy Ivanchuk - người bạn thời thơ ấu của ông Yatsenyuk và là thành viên thế hệ tài phiệt mới trên chính trường Ukraine.
Trừng phạt tài phiệt Nga
Gần đây, Ủy ban An ninh quốc gia quốc hội Ukraine đã đề nghị Hội đồng An ninh quốc gia thông qua nghị quyết về lệnh trừng phạt mới nhắm vào các nhà tài phiệt và đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin do liên quan đến các mối đe dọa lợi ích quốc gia, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khủng bố.
Các chính khách, tài phiệt Nga bị đề nghị trừng phạt gồm: Alexander Babakov, Alexander Katunin, Victor Nusenkis, Konstantin Malofeev, Oleg Deripaska, Arkady Rotenberg, Igor Kesaev, Semyon Mogilevich, Franz Klintsevich. Danh sách này còn có các nhà tài phiệt Ukraine: Dmitry Firtash, Konstantin Grigorishin, Yuri Ivanyushchenko, Alexander Klimenko, Viktor Medvedchuk, Ramzan Tsitsulaev. Theo dự thảo nghị quyết, Ukraine sẽ đóng băng tài sản của các cá nhân có tên trong danh sách và ngăn chặn họ rút tiền ở nước ngoài.
Bình luận (0)