Bốn tháng kể từ khi virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) khởi phát, cuộc đua tìm kiếm vắc-xin đang diễn ra ngày càng quyết liệt. Bảy trong tổng số khoảng 90 dự án đang được tiến hành bởi các chính phủ, nhà sản xuất dược, nhà cải tiến công nghệ sinh học và trung tâm nghiên cứu đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo chính trị liên tục hối thúc tiến độ, các công ty dược và nhà nghiên cứu đang làm việc với tốc độ chưa từng thấy. Nhiều chính phủ và công ty thậm chí quyết định xây dựng dây chuyền sản xuất trước khi sản phẩm ra đời.
Hai công ty hàng đầu tại Mỹ, Johnson & Johnson và Moderna, mới đây công bố quan hệ đối tác với hàng loạt công ty sản xuất, trong đó Johnson & Johnson cam kết 1 tỉ liều vắc-xin vào cuối năm sau.
Không để tụt lại phía sau, "gã khổng lồ" dược phẩm AstraZeneca (trụ sở Anh) tuần này cũng thông báo họ đang hợp tác với Trường ĐH Oxford (Anh) để sản xuất hàng chục triệu liều vắc-xin vào cuối năm nay.
Mẫu vắc-xin chống Covid-19 trên tay một nhà khoa học đến từ Bệnh viện Đại học Bern, TP Bern - Thụy Sĩ, cuối tháng 4-2020 Ảnh: REUTERS
Theo giới chuyên gia, bên cạnh lợi ích thương mại, quốc gia đầu tiên phát triển thành công vắc-xin chống Covid-19 còn đạt được sức ảnh hưởng to lớn về mặt ngoại giao lẫn địa chính trị.
Quy mô vấn đề và nhu cầu về một giải pháp nhanh chóng, theo báo The New York Times, chắc chắn sẽ khiến căng thẳng leo thang giữa động cơ lợi nhuận của ngành dược và yêu cầu của công chúng về việc chính phủ hành động nhanh chóng để đưa vắc-xin hiệu quả đến nhiều người nhất có thể.
Cho đến nay, quá trình nghiên cứu và phát triển vắc-xin phần lớn do các chính phủ và tổ chức hậu thuẫn. Những vấn đề liên quan đến bằng sáng chế, lợi nhuận và lượng vắc-xin chính phủ mỗi nước nhận được hiện vẫn trong quá trình giải quyết. Trong khi giới khoa học và chuyên gia y tế nói về nỗ lực tìm kiếm "vắc-xin toàn cầu", lãnh đạo nhiều nước nhấn mạnh người dân của họ phải là những người đầu tiên được tiêm chủng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây thông báo đích thân phụ trách dự án "Operation Warp Speed" để điều chế và sản xuất 300 triệu liều vắc-xin cho quân đội Mỹ vào tháng 1-2021. Theo một quan chức cấp cao giấu tên, chính quyền Tổng thống Trump đã xác định 14 dự án vắc-xin mà họ dự định tập trung tìm hiểu, với ý tưởng tiếp tục thu hẹp nhóm này xuống còn vài dự án có thể nghiên cứu tiếp với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ để đáp ứng mục tiêu của ông chủ Nhà Trắng.
Dù vậy, những quốc gia khác cũng đang cho thấy ý định quốc gia hóa hướng tiếp cận của họ. Cuộc thử nghiệm lâm sàng hứa hẹn nhất ở Trung Quốc được chính phủ nước này hỗ trợ tài chính. Tại Ấn Độ, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, ông Adar Poonawalla, tuyên bố phần lớn vắc-xin mà họ sản xuất được "sẽ đến tay người dân trong nước trước khi ra nước ngoài".
Trong khi đó, Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences (Mỹ) hôm 5-4 cho biết họ đang đàm phán với các nhà sản xuất dược phẩm và hóa học để mở rộng sản xuất thuốc kháng virus Remdesivir - vốn đang cho kết quả khả quan trong các thử nghiệm lâm sàng điều trị Covid-19 - sang châu Âu, châu Á và các nước đang phát triển đến ít nhất năm 2022. Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (USFDA) cho phép sử dụng Remdesivir để điều trị khẩn cấp bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato thông báo Remdesivir có thể được cấp phép sử dụng tại Nhật Bản để điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.
Âm thầm lây lan
Nghiên cứu mới về gien của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 từ hơn 7.600 bệnh nhân khắp thế giới phát hiện virus này xuất hiện và lây lan nhanh chóng ở người từ cuối năm ngoái.
Các nhà nghiên cứu ở Anh đã phân tích đột biến ở SARS-CoV-2 và phát hiện bằng chứng chúng lây lan nhanh chóng nhưng không có bằng chứng loại virus này dễ lây hay có khả năng gây bệnh nặng. "Virus đang biến đổi nhưng không có nghĩa là biến đổi theo hướng tệ hơn" - nhà nghiên cứu di truyền học Francois Balloux thuộc Viện Di truyền học tại Trường ĐH London (Anh) nói với đài CNN. Ông Balloux và đồng nghiệp xem xét mẫu từ hơn 7.600 bệnh nhân ở nhiều thời điểm và khu vực khác nhau, qua đó kết luận SARS-CoV-2 bắt đầu lây cho người từ cuối năm ngoái.
Họ cũng tìm thấy bằng chứng di truyền củng cố giả thuyết virus lây cho người ở châu Âu, Mỹ và những nơi khác từ vài tuần thậm chí vài tháng trước khi những ca nhiễm đầu tiên được báo cáo hồi tháng 1 và tháng 2 nên việc truy tìm bệnh nhân số 0 ở bất kỳ quốc gia nào là bất khả thi.
Trong khi đó, nhóm nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Los Alamos (Mỹ) cho biết họ phát hiện 14 biến thể mới của SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán - Trung Quốc. Một trong những đột biến gây lo ngại được xác định là D614G, xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2 ở châu Âu và lây lan trên toàn thế giới vào giữa tháng 3.
Theo nhóm nghiên cứu, D614G đang gia tăng cường độ ở mức báo động, cho thấy khả năng thích ứng vượt trội hơn so với chủng virus xuất hiện tại Vũ Hán. Các nhà nghiên cứu cảnh báo nếu SARS-CoV-2 không giảm bớt vào mùa hè, chúng có thể phát triển các chủng mới và có khả năng tác động đến tính hiệu quả của vắc-xin ngừa Covid-19 đang được phát triển.
Xuân Mai
Bình luận (0)