Chỉ mới tuyên thệ nhậm chức vào tháng rồi, chính phủ liên hiệp đã bắt đầu có dấu hiệu bất ổn. Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel và Đảng Dân chủ Xã hội đang bất đồng về cách thức thực thi nhanh chóng những chính sách đã được thỏa thuận, bao gồm tăng lương tối thiểu và ban hành luật bảo vệ dữ liệu.
Chưa hết, CDU/CSU còn gây tranh cãi khi đề xuất những hạn chế về phúc lợi dành cho người nhập cư Romania và Bulgaria, dù họ đã được phép tự do tìm việc làm tại tất cả các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU).
Bản thân bà Merkel cũng bị chỉ trích sau khi ông Ronald Pofalla, người vừa từ chức chánh văn phòng thủ tướng, có ý định chuyển sang làm nhà vận động hành lang cho công ty đường sắt nhà nước Deutsche Bahn - một vị trí được trả lương “khủng”.
Hai tháng trước, các công tố viên đã mở cuộc điều tra đối với Eckart von Klaeden - một phụ tá hàng đầu khác của bà Merkel - sau khi ông ta đảm nhận công việc tương tự tại hãng xe Daimler. Các đảng đối lập và nhóm chống vận động hành lang xem đây là bằng chứng về “sự bắt tay” giữa chính trị và kinh doanh ở Đức.
Ông Steffen Seibert, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel, từ chối cho biết bà có ủng hộ sự thay đổi của ông Pofalla hay không. Tuy nhiên, ông Seibert cho biết nhà lãnh đạo Đức đã khuyên cựu phụ tá nên nghỉ ngơi một thời gian trước khi làm công việc mới. Ông Alexander Kirchner, một thủ lĩnh nghiệp đoàn có chân trong hội đồng giám sát của Deutsche Bahn, phê phán “sự im lặng đáng ngờ” của chính phủ. Deutsche Bahn sẽ triệu tập cuộc họp đặc biệt vào ngày 30-1 để bàn về trường hợp Pofalla.
Ngần ấy chuyện khiến bà Merkel khó lòng tĩnh dưỡng theo lời khuyên của bác sĩ. Dù hủy chuyến thăm Ba Lan dự kiến bắt đầu ngày 8-1 và buổi tiếp Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel một ngày sau đó nhưng bà Merkel vẫn phải chủ trì cuộc họp nội các đầu tiên trong năm mới hôm 8-1. Ở đó, nhiều rắc rối đang chờ bà.
Bình luận (0)