Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12-2 đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về khủng hoảng Ukraine trong suốt 1 giờ nhưng không đạt được bất kỳ bước đột phá nào.
Tổng thống Biden cảnh báo Tổng thống Putin về những hậu quả kinh tế khắc nghiệt mà Nga phải gánh chịu nếu ông ra lệnh tấn công Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh mặc dù Washington sẵn sàng tham gia và phối hợp ngoại giao với đồng minh, họ cũng đã chuẩn bị cho những kịch bản khác để có thể đáp trả "quyết đoán và nhanh chóng" khi cần.
Về phần mình, Tổng thống Putin khẳng định Washington đến giờ vẫn phớt lờ những nỗi lo an ninh chính của Moscow xoay quanh Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cùng ngày, Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho rằng Washington "đã cuồng loạn đến đỉnh điểm" khi đưa ra thời điểm Moscow tấn công Kiev. Dù vậy, theo ông Ushakov, Tổng thống Putin vẫn đồng ý duy trì đối thoại Washington - Moscow.
Tàu ngầm Nga Rostov-on-Don trên đường đến biển Đen. Ảnh chụp tại eo biển Bosphorus, thủ đô Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13-2. Ảnh: REUTERS
Cuộc điện đàm nêu trên diễn ra vài giờ sau khi Washington rút một phần binh sĩ ra khỏi Ukraine, đồng thời ra lệnh sơ tán hầu hết nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại quốc gia này. Theo giới chuyên gia, đây là một tín hiệu mới cho thấy Mỹ lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào dù Moscow từng nhiều lần nhấn mạnh họ không có kế hoạch.
Bản thân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12-2 cũng đã nhìn nhận rằng rủi ro xung đột quân sự Nga - Ukraine cao đến mức họ buộc phải sơ tán hầu hết nhân viên đại sứ quán ở Kiev, không lâu sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi công dân của họ rời Ukraine "ngay lập tức".
Trong một tuyên bố cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Washington đang rút gần như tất cả binh sĩ còn lại ra khỏi Ukraine.
Theo người phát ngôn Kirby, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin "đã ra lệnh tái bố trí tạm thời 160 thành viên của Lực lượng Vệ binh quốc gia Florida" - những người đang ở Ukraine để thực hiện sứ mệnh cố vấn và huấn luyện.
Vị này cho biết lượng binh sĩ nêu trên sẽ được tái phân bổ đến "một khu vực nào đó ở châu Âu" nhằm giúp Washington linh hoạt hơn trong nỗ lực ngăn chặn hành vi khiêu khích để bảo đảm an ninh cho các đồng minh.
Theo báo The Washington Post, nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ có thể triển khai bổ sung binh sĩ đến các nước thành viên NATO ở sườn Đông của châu Âu trong khi NATO tăng cường hiện diện quân sự tại các quốc gia này.
Thời gian qua, Washington đã điều động thêm khoảng 2.000 binh sĩ từ căn cứ Fort Bragg ở bang Bắc Carolina, chủ yếu đến Ba Lan để trấn an các đồng minh cạnh Nga trong bối cảnh quốc gia này đưa quân ồ ạt đến biên giới Ukraine.
Giới chức Mỹ cuối tuần rồi thông báo 3.000 thành viên thuộc Sư đoàn Dù 82 sẽ gia nhập nhóm binh sĩ nêu trên trong vài ngày tới. Cùng lúc, 1.000 binh sĩ sẽ được triển khai đến Romania từ một căn cứ của Mỹ ở Đức, nâng tổng số binh sĩ Mỹ tại quốc gia Đông Âu này lên 1.900 người.
Mỹ đã và đang hỗ trợ an ninh cho các đồng minh ở sườn Đông của châu Âu thông qua việc triển khai luân phiên một tiểu đoàn thiết giáp qua Lithuania, một lữ đoàn không quân qua Latvia và Lực lượng Tác chiến Đặc biệt qua 3 nước Baltic, gồm Estonia, Latvia và Lithuania. Quân đội Mỹ còn thành lập một trạm chỉ huy ở TP Poznan - Ba Lan để giám sát các lực lượng luân phiên ở châu Âu.
Bình luận (0)