Theo Reuters, tên lửa trên trước đây bị cấm thử nghiệm trong khuôn khổ INF. Đây là lần thứ hai Lầu Năm Góc thử nghiệm các tên lửa như vậy.
Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết vụ thử nghiệm được thực hiện tại căn cứ không quân Vandenberg ở bang California – Mỹ. Tên lửa bay được quãng đường hơn 500 km. Dữ liệu được thu thập và bài học rút ra từ vụ thử nghiệm sẽ được gửi cho Bộ Quốc phòng để phát triển tên lửa tầm trung trong tương lai.
Hồi tháng 8, Lầu Năm Góc cũng thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn hơn 500 km.
Lầu Năm Góc cho biết vụ thử nghiệm được thực hiện tại căn cứ không quân Vandenberg ở bang California – Mỹ. Ảnh: Breaking Defense
Mỹ chính thức rút khỏi INF (ký năm 1987) vào tháng 8 sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này. INF do Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đàm phán. Hiệp ước cấm thử nghiệm và triển khai tên lửa tầm bắn 500-5.500 km trên đất liền.
Căng thẳng liên quan tới INF khiến quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên tồi tệ hơn kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991. Một số chuyên gia tin rằng sự sụp đổ của hiệp ước có thể làm suy yếu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác, đồng thời khiến hệ thống toàn cầu – ra đời nhằm ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí hạt nhân - mau chóng bị xói mòn.
Trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tới Washington để gặp Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông Lavrov nhắc lại đề nghị của Moscow, qua đó gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí START mới giữa hai nước. Về phần mình, hai ông Trump và Pompeo nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức một cuộc đối thoại chiến lược bao gồm cả Trung Quốc.
Hiệp ước START yêu cầu các bên tham gia cắt giảm đầu đạn hạt nhân chiến lược đã triển khai xuống không quá 1.550 đầu đạn. Hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng 2-2021 nhưng có thể được gia hạn thêm tới 5 năm.
Bình luận (0)