Động thái sa thải ông Comey bị đài CNN đánh giá là "khó lường và nguy hiểm nhất" của ông Trump kể từ khi nhậm chức tổng thống đến nay.
Không chỉ châm ngòi một cơn bão chính trị với nhiều hệ lụy không thể lường hết, việc sa thải ông Comey còn khiến ông Trump bị chỉ trích về khả năng phán đoán. Ông Comey đang dẫn đầu cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 trong khi nhiều cố vấn của ông Trump - cả trong lúc tranh cử lẫn sau khi nhậm chức - đã bị cuốn vào bê bối này.
Theo Reuters, thủ lĩnh phe thiểu số (Dân chủ) tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer, cũng đã nói chuyện với ông Trump và cảnh báo tổng thống Mỹ "phạm sai lầm lớn" khi sa thải ông Comey. "Điều tra độc lập vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ là cách duy nhất để lấy lại niềm tin của người dân Mỹ lúc này" - ông nói.
Ngay cả một số đảng viên Cộng hòa cũng thắc mắc nếu ông Comey bị sa thải thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc điều tra "Nga can thiệp tiến trình bầu cử Mỹ".
Cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey. Ảnh: REUTERS
Ông Comey mất chức sau đề nghị của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein. Giải thích về lý do sa thải giám đốc FBI, ông Rosenstein nêu ra hai điểm:
Thứ nhất, ông Comey đã sai khi tuyên bố kết thúc cuộc điều tra vụ lùm xùm sử dụng email cá nhân cho công việc của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 7 năm ngoái. Lúc đó, ông Comey cho biết FBI sẽ không truy tố bà Clinton nhưng "chỉ trích bà bất cẩn".
"Giám đốc FBI đã không trao quyền cho các công tố viên liên bang cũng như không tuân theo chỉ thị của Bộ Tư pháp. Bằng cách phớt lờ những quy tắc này, ông Comey đã hành động ra ngoài khuôn khổ. Việc công khai chỉ trích bà Clinton cũng làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn" – ông Rosenstein nói.
Thứ hai, khi ông Comey đề cập tới thông báo mở cuộc điều tra vụ email của bà Clinton vào tháng 10-2016, người này muốn "che giấu" sự thật, theo ông Rosenstein.
"Khi công tố viên và nhân viên liên bang lặng lẽ mở cuộc điều tra hình sự, chúng tôi không che giấu bất cứ điều gì. Chúng tôi chỉ đơn giản là theo đuổi chính sách hạn chế công bố thông tin công khai" - ông Rosenstein nhấn mạnh.
Không thuyết phục
Cả hai nguyên nhân trên đều có vẻ xác đáng nhưng tạp chí Quartz cho rằng cựu giám đốc FBI không bị sa thải vì những lý do như vậy. Bởi chính quyền Tổng thống Trump đã biết điều này suốt nhiều tháng, kể cả khi nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu ông Comey tiếp tục công việc của mình.
Trong khi đó, đảng Dân chủ tin rằng hành động của ông Comey hồi tháng 10 năm ngoái đã khiến đường vào Nhà Trắng của bà Clinton gập ghềnh hơn. Và dường như không có khả năng Tổng thống Trump sẽ sa thải cựu giám đốc FBI khi "nhờ" vụ lùm xùm email của đối thủ - bà Clinton – mà ông đã ghi điểm với cử tri. Thậm chí khi đó, ứng viên đảng Cộng hòa còn nói "ông Comey đã làm đúng".
Một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói với Reuters: "Còn có lý do khác. Và tôi cho là có 2 khả năng: một là tổng thống xem ông Comey là trở ngại chính trị, hai là tổng thống lo ngại một cuộc điều tra thật sự nhằm vào Nga".
Hạ nghị sĩ Dân chủ có chân trong Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ Elijah Cummings cho biết: "Nhà Trắng đã che giấu cho cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn (đã từ chức) bằng cách từ chối cung cấp tài liệu cho quốc hội. Bây giờ, tổng thống sa thải một nhân vật độc lập đang tích cực điều tra chiến dịch tranh cử của ông ấy".
Bình luận (0)