Cụ thể, sắc lệnh nói trên sẽ có hiệu lực đối với những người đến từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria, Yemen và mọi người tị nạn miễn là họ không có liên hệ gì với các cá nhân, thực thể ở Mỹ.
Ngoài ra, Tòa án Tối cao đồng ý lắng nghe những lập luận của các bên ủng hộ và phản đối sắc lệnh vào tháng 10.
Đây được xem là thắng lợi nhỏ của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến pháp lý với chính quyền một số bang phản đối sắc lệnh trên.
Ông chủ Nhà Trắng vào tuần rồi cho biết lệnh cấm sẽ có hiệu lực 72 giờ sau khi được các tòa án bật đèn xanh.
Người dân phản đối sắc lệnh hạn chế nhập cảnh tại TP Seattle hôm 15-5. Ảnh: AP
Chính quyền ông Donald Trump cho rằng lệnh cấm nhập cảnh là cần thiết để cho phép nhà chức trách xem xét lại thủ tục kiểm tra người xin visa đến từ 6 nước nói trên.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng sắc lệnh trên phân biệt đối xử vì chỉ nhằm vào người Hồi giáo.
Sắc lệnh hạn chế nhập cư nói trên được Tổng thống Donald Trump ký ban hành hôm 6-3 nhưng bị các thẩm phán liên bang ngăn chặn trước khi có hiệu lực vào ngày 16-3 như kế hoạch.
Chính quyền bang Hawaii và một nhóm các nguyên đơn ở bang Maryland lập luận rằng sắc lệnh này vi phạm luật nhập cư liên bang và Hiến pháp, theo đó cấm ưu ái hoặc chống lại một tôn giáo nào đó.
Trước đó, sắc lệnh đầu tiên được ký ban hành hôm 27-1, cũng nhằm vào công dân đến từ 6 quốc gia trên cùng với Iraq, và có hiệu lực tức thì, gây ra sự hỗn loạn tại nhiều sân bay.
Sau khi bị một thẩm phán liên bang ngăn chặn, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có sự điều chỉnh với hy vọng không còn đối mặt làn sóng chỉ trích mạnh mẽ như trước.
Bình luận (0)