Sách Xanh Ngoại giao nhấn mạnh 4 đảo mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc và Nga gọi là quần đảo Kuril là "thuộc chủ quyền của Nhật Bản".
Theo đó, Sách Xanh Ngoại giao năm 2020 khẳng định vấn đề tranh chấp đối với các hòn đảo này là vấn đề "quan ngại nhất" và Nhật Bản sẽ tiếp tục các nỗ lực để đạt được thỏa thuận với Nga về vấn đề này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: DPA
Trước đó, trong Sách Xanh Ngoại giao năm 2018, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố "4 hòn đảo ở phía Bắc thuộc về Nhật Bản" nhưng loại bỏ câu này trong phiên bản năm 2019. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng thuyết phục được Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý trao trả đảo Shikotan và nhóm đảo Habomai cho nước này theo tuyên bố chung mà hai nước đã ký năm 1956.
Tuyên bố chung chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước và để mở khả năng ký hiệp ước hòa bình.
Tuy nhiên, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka – Nhật Bản hồi tháng 6 năm ngoái, các nhà lãnh đạo hai nước đã không đạt được thỏa thuận nào, khiến triển vọng ký kết hiệp ước hòa bình trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, Sách Xanh Ngoại giao của Nhật Bản cũng đề cập đến tình trạng căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Hàn Quốc do các biện pháp siết chặt kiểm soát hoạt động xuất khẩu và vấn đề bồi thường cho lao động cưỡng bức trong thời chiến, song song đó lên án Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Sách Xanh Ngoại giao năm 2020 mô tả Hàn Quốc là "nước láng giềng quan trọng" đối với Nhật Bản, nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn "đang rất nghiêm trọng" liên quan đến các vấn đề lịch sử.
Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng sau các phán quyết vào năm 2018 của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong giai đoạn năm 1910-1945. Nhật Bản hồi tháng 7 năm ngoái đã siết chặt kiểm soát hoạt động xuất khẩu nguyên liệu quan trọng sang Hàn Quốc. Đáp lại, Hàn Quốc loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại.
Về vấn đề Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng các vụ phóng thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với Nhật Bản mà còn với cộng đồng quốc tế và "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Bình luận (0)