Theo đó, “sát thủ chống ngầm” sẽ ưu tiên dừng lại tại căn cứ của các nước bên bờ biển Đông, bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia trên đường về.
Động thái trên được cho là sẽ góp phần bảo vệ quyền tự do lưu thông của Nhật Bản, cho phép nước này hỗ trợ hoạt động tuần tra của Mỹ quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấn phi pháp ở biển Đông.
Máy bay săn ngầm P-3C của Nhật thường xuyên tham gia các hoạt động chống cướp biển ở vùng biển Somalia, cứ 3 tháng 1 lần qua lại giữa Nhật Bản và căn cứ ở Djibouti.
Trước đây, máy bay tiếp nhiên liệu tại các căn cứ cách biển Đông tương đối xa như Singapore và Thái Lan. Theo kế hoạch mới, ngoài hành trình cũ, nó sẽ được tiếp nhiên liệu tại căn cứ trên biển Đông.
P-3C cũng sẽ tham gia vào các chương trình trao đổi quốc phòng tại những nơi nó bay qua. Hồi tháng 11-2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani có chuyến thăm Việt Nam và ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó thống nhất tăng cường trao đổi quốc phòng giữa hai bên và cho phép tàu của Nhật Bản ghé thăm cảng Cam Ranh.
Đài Phượng Hoàng (Hồng Kông) dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng tới đây, Nhật Bản sẽ gia tăng can thiệp vào vấn đề biển Đông để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ tự do và an toàn đi lại ở khu vực, giảm sức ép cho Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có biện pháp kiềm chế Trung Quốc, đơn cử việc tàu chiến Mỹ USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp diễn ra hồi đầu tháng 10-2015.
Trong một diễn biến khác, lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tập trận chung vào ngày 15-1 tại vịnh Bengal, ngoài khơi bờ biển Chennai, với kịch bản là giải cứu một tàu buôn bị hải tặc cướp.
Bình luận (0)