Hãng tin RIA Novosti cho biết đoàn xe dài hơn 3 km này sẽ đến biên giới Ukraine trong buổi sáng 13-8.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Business FM, người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, tuyên bố Kiev đã đồng ý nhận chuyến hàng. Tuy nhiên, ông Valery Chaly, người phát ngôn của tổng thống Ukraine, khẳng định đoàn xe sẽ không được vào lãnh thổ nước này nếu có binh sĩ hoặc người của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đi cùng.
Cũng như Kiev, các nước phương Tây lo ngại Moscow có thể lợi dụng sứ mệnh nhân đạo để “xâm lược quân sự Ukraine”. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo những hành động của Nga không được chính quyền Kiev đồng ý sẽ dẫn đến những biện pháp trừng phạt mới.
Đoàn xe cứu trợ của Nga đang hướng về biên giới Ukraine
Ảnh: PK
Bình luận về quyết định đưa hàng cứu trợ của Tổng thống Vladimir Putin và nỗi lo ngại của phương Tây, các nhà phân tích cho rằng bước tiếp theo, Nga sẽ đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào và sau đó chia cắt đất nước Ukraine.
Báo The Washington Post khuyến cáo Mỹ và đồng minh cần sẵn sàng hành động nếu quân đội Nga vượt qua biên giới Ukraine dưới danh nghĩa sứ mệnh nhân đạo. Theo báo này, động cơ thực sự của Nga không phải là cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Đông Ukraine mà là nguy cơ phe ly khai bại trận trước quân đội Ukraine.
Trong khi đó, theo hãng tin Newsru.ua, Kiev cáo buộc Nga đã đưa đến biên giới giáp Ukraine 45.000 quân, 160 xe tăng, 1.360 xe bọc thép, 390 đại pháo, 150 hệ thống tên lửa Grad, 192 máy bay chiến đấu và 137 trực thăng tấn công.
Nguồn tin từ Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine còn cho biết binh sĩ Nga đã bắn đạn pháo hạng nặng vào các làng mạc và đơn vị quân đội Ukraine ở Stepanovka thuộc vùng Donetsk.
Trong bối cảnh đó, theo Itar-Tass, Quốc hội Ukraine ngay phiên họp đầu tiên ngày 12-8 đã thông qua đạo luật trừng phạt Nga. Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch đàm phán nhằm thuyết phục Brazil và Chile không xuất khẩu nông sản sang Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso còn thông báo với Tổng thống Putin rằng EU có thể đáp trả lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU của Nga.
Tuy nhiên, đại diện các phe đối lập cánh tả và cánh hữu cũng như các thành viên chính phủ nhiều nước EU đã gửi thư đến Brussels yêu cầu EU nhanh chóng hủy bỏ lệnh trừng phạt Nga, đồng thời xem xét lại chính sách đối với nước này.
Bình luận (0)