Việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan đứng về phía Philippines trong vụ kiện giữa nước này và Trung Quốc không khiến nhiều người ngạc nhiên. Điều khiến giới chuyên gia bất ngờ là Bắc Kinh "thất bại nặng nề” hơn dự kiến trên mặt trận pháp lý.
Đòn mạnh vào yêu sách chủ quyền
Chuyên gia Ian Storey của Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore) nhận định với Reuters rằng phán quyết của PCA đã giáng một đòn pháp lý mạnh mẽ vào yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Bắc Kinh dĩ nhiên sẽ phản ứng giận dữ và có thể leo thang khiêu khích tại vùng biển này.
Trong khi đó, ông Paul Reichler, luật sư người Mỹ đóng vai trò trưởng nhóm cố vấn pháp lý cho chính phủ Philippines trong vụ kiện, cho rằng phán quyết của PCA đã làm gia tăng sức mạnh của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Điều dư luận quan tâm là tác động của phán quyết đối với tình hình biển Đông sắp tới cũng như Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao.
Theo giới phân tích, nhiều khả năng Trung Quốc tiếp tục gia tăng kiểm soát những đảo nhân tạo xây trái phép ở biển Đông thay vì tuân thủ phán quyết. Không những thế, dư luận còn lo ngại Bắc Kinh đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông hoặc bắt đầu cải tạo bãi cạn Scarborough đang chiếm giữ của Philippines.
Những động thái khiêu khích mạnh mẽ như thế sẽ khiến Mỹ chịu sức ép phải đáp trả khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng.
Giới chức Mỹ nói với tờ Financial Times (Anh) rằng phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết sẽ tác động không nhỏ đến hành động tương ứng của các bên liên quan cũng như của Mỹ. Chẳng hạn, nếu Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự tại vùng biển tranh chấp, Mỹ và các nước khác buộc phải đối phó bằng cách mở rộng sứ mệnh bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở đó.
Bắc Kinh sợ mất mặt
Đài BBC dẫn lời các nhà quan sát cho rằng danh tiếng của Bắc Kinh trên trường quốc tế sẽ bị tổn hại nếu bất chấp phán quyết của PCA. Theo ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc), Bắc Kinh sẽ không dại gì có phản ứng khiến tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người có những tuyên bố mang tính hòa giải với Bắc Kinh sau khi thắng cử, chuyển sang lập trường cứng rắn quá sớm.
Ngoài khả năng tiếp tục khiêu khích, Trung Quốc còn có thể đẩy mạnh nỗ lực vận động để các bên liên quan đến tranh chấp ở biển Đông chịu thương thảo trực tiếp theo đúng lập trường lâu nay của Bắc Kinh. Tờ Financial Times ngày 12-7 tiết lộ Bắc Kinh đề nghị những lợi ích về kinh tế nếu Manila chịu “gạt sang một bên” phán quyết của PCA.
Ông Richard Heydarian, nhà phân tích chính trị tại Trường ĐH De La Salle (Philippines), nhận định ông Duterte chắc chắn sẽ sử dụng phán quyết để thúc ép Trung Quốc chấp nhận những nhượng bộ nào đó.
“Mỹ cùng các đồng minh chủ chốt sẽ gây sức ép tối đa để chính quyền ông Duterte ra tuyên bố mạnh mẽ và kêu gọi sự tuân thủ (phán quyết của PCA). Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang làm mọi điều có thể hòng thuyết phục ông Duterte không sử dụng vụ kiện để làm mất mặt Bắc Kinh” - chuyên gia này nhận định.
Tuy nhiên, ông Aaron Connelly, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách quốc tế Lowy, cho rằng các nước giờ đây không mấy mặn mà với ý tưởng thương thảo trực tiếp của Trung Quốc.
“Theo thời gian, các nước Đông Nam Á nhận ra rằng Trung Quốc ban đầu hứa hẹn để rồi nuốt lời sau đó. Vì thế, luật pháp quốc tế là điều các nước có thể dựa vào về lâu dài. Đó là lý do Philippines quyết định đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông ra PCA sau 10 năm thương thảo” - ông Connelly giải thích với đài CNBC.
Bình luận (0)