Mặt trăng đang di chuyển ra xa trái đất với khoảng cách 3,8 cm/năm. Nhưng các chuyên gia cho rằng trong tương lai, mặt trăng sẽ tiến về phía trái đất và giữa hai hành tinh có thể xảy ra va chạm.
TS Jason Barnes, nhà khoa học nghiên cứu về hành tinh tại Trường ĐH Idaho (Mỹ), là một trong những người đưa ra dự báo kể trên khi tham gia cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes mới đây.
Mặt trăng được hình thành cách đây 4,5 tỉ năm. Kể từ đó, nó chầm chậm di chuyển ra xa trái đất. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tác động của thủy triều trên trái đất.
Mặt trăng được giữ trong quỹ đạo bởi lực hấp dẫn của trái đất. Song song đó, nó cũng tạo nên một lực hấp dẫn lên hành tinh của chúng ta khiến các đại dương chuyển động, hình thành nên các bướu thủy triều (tidal bulge). Do trái đất quay, những bướu thủy triều này giải phóng một lượng nhỏ năng lượng vào mặt trăng, đẩy nó vào quỹ đạo xa hơn.
Tuy nhiên, TS Barnes nói rằng vòng quay của trái đất sẽ có ngày chậm lại cho đến khi tương tự với chu kỳ quỹ đạo của mặt trăng. Đến lúc đó, mặt trăng sẽ không di chuyển ra xa trái đất nữa.
Trong khi đó, khoảng 6 tỉ năm sau kể từ bây giờ, mặt trời sẽ trải qua giai đoạn chuyển biến thành “ngôi sao đỏ khổng lồ”. Lúc ấy, nhiên liệu hạt nhân của mặt trời bị cạn kiệt và lõi của nó sẽ thu lại thành một sao lùn trắng; còn bề mặt mặt trời sẽ mở rộng đến mức vượt qua quỹ đạo trái đất, làm hủy hoại năng lượng của hệ trái đất - mặt trăng.
Tình trạng này sẽ khiến mặt trăng dần bị hút về phía trái đất, cuối cùng xảy ra một vụ va chạm làm mặt trăng nhập vào trái đất, theo tiến sĩ Barnes.
Lâu nay, giới khoa học cho rằng nếu mặt trời biến thành một sao lùn trắng, trái đất sẽ bị đông cứng. Nhưng nếu mặt trăng đâm vào trái đất, theo tiến sĩ Barnes, năng lượng tỏa ra từ vụ va chạm sẽ biến hành tinh của chúng ta thành một đại dương mắc ma nóng chảy.
May mắn là viễn cảnh thảm họa này được dự báo sẽ chỉ xảy ra sau khoảng 65 tỉ năm nữa.
Bình luận (0)