Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 ở Singapore, Trung Quốc liên tiếp vấp phải chỉ trích của một loạt quan chức quốc phòng hàng đầu - từ Mỹ đến Úc - vì lối hành xử ngang ngược trên biển Đông và Hoa Đông.
Mỹ phát pháo mạnh mẽ
Phát biểu đầu tiên trong ngày 31-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel không ngần ngại chỉ đích danh: “Trong những tháng qua, Trung Quốc đã có những hành động gây mất ổn định khu vực, đơn phương khẳng định chủ quyền ở biển Đông”.
Ông chủ Lầu Năm Góc lần lượt vạch ra những hành động gây hấn của Trung Quốc gần đây, như: ngăn chặn Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough, tìm cách kiểm soát bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cải tạo đất đai trên bãi Gạc Ma và mới nhất là triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển Việt Nam.
“Không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng chúng tôi kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực để củng cố các tuyên bố chủ quyền... Mỹ sẽ không làm ngơ nếu thế lực nào đó đe dọa các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế” - ông nêu rõ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái)
gặp Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung ngày 31-5. Ảnh: AP
Ông Hagel cũng vạch ra những ưu tiên của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có tăng cường khả năng phòng thủ cho các đồng minh. “Việc Mỹ chuyển trọng tâm tới khu vực này không phải là mục tiêu, lời hứa hay viễn cảnh. Nó là một thực tế” - ông nhấn mạnh.
Các hãng tin lớn đồng quan điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có những phát biểu mạnh mẽ khác thường nhằm vào Trung Quốc. Đài BBC bình luận: “Nhiều nước cùng đưa ra tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nhưng ông Hagel khẳng định chỉ có Trung Quốc gây bất ổn”.
Nhật được ủng hộ
Sau bài phát biểu khai mạc tối 30-5 của Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tiếp tục đề nghị hợp tác sâu rộng hơn về quân sự với các nước Đông Nam Á khi lên bục diễn giả ngày 31-5.
“Không chỉ quân sự, chúng tôi còn muốn bảo đảm an toàn hàng hải trong khu vực cũng như tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực an ninh phi truyền thống với ASEAN” - ông Onodera giải thích.
Nhiều nhà phân tích nhận định Tokyo sẽ có được sự ủng hộ của các nước trong khu vực. “Thủ tướng Abe đã tận dụng được cơ hội lớn mà chính Trung Quốc trao vào tay ông thông qua những hành động gây hấn của họ. Vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế được nâng lên và các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam sẽ tiến lại gần nhau” - GS Thomas Berger tại Trường ĐH Boston - Mỹ phân tích.
Thành quả trước mắt là trong ngày 31-5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cùng hoan nghênh ý định đóng góp nhiều hơn vào hòa bình, ổn định tại châu Á của Nhật Bản. Ông Hagel còn tuyên bố Washington sẽ hỗ trợ Thủ tướng Abe xác định lại vị thế quân sự của Tokyo trong khu vực.
Những tuyên bố của hai ông Hagel và Abe càng thêm sức nặng sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston. Tuy nói Úc không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng ông Johnston cương quyết: “Dùng vũ lực hay hăm dọa để đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Đông và Hoa Đông đơn giản là không thể chấp nhận được”.
Trong khi đó, các bộ trưởng quốc phòng khác của ASEAN đòi hỏi sự đoàn kết khu vực để giải quyết các tranh chấp chủ quyền. “ASEAN phải cùng chung quan điểm về các vấn đề quốc phòng then chốt và không để bị lôi kéo theo các hướng khác nhau” - Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố.
Bắc Kinh lầm đường
Trước chỉ trích rát mặt từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung cho rằng bài phát biểu của ông Chuck Hagel “đầy sự bá quyền, khiêu khích, hăm dọa và không mang tính xây dựng, hơn nữa còn nhiều lần công khai chỉ trích Trung Quốc một cách vô căn cứ”.
Còn Thiếu tướng Chu Thành Hổ, thuộc Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc, nói Bắc Kinh “đâu có ngốc để tin rằng Mỹ trung lập hay xem Trung Quốc như đối tác”.
Trước đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 30-5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lặp lại luận điệu “sẽ không quấy rối ở biển Đông” nhưng đe dọa “đáp trả trong tình huống cần thiết”.
Bất chấp phản ứng hiếu chiến của đoàn Trung Quốc, Đô đốc Samuel Locklear - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ) - chỉ ra: “Cách mà họ xử lý tranh chấp lãnh thổ hiện tại không giúp gì cho khu vực. Bắc Kinh phải theo con đường thỏa hiệp dựa trên một khung pháp lý công bằng”.
Ông Locklear cũng cho rằng Trung Quốc đã hiểu sai về chiến lược “xoay trục” của Mỹ. “Chiến lược của Mỹ là xem Trung Quốc là đối tác có giá trị. Theo tôi, cách duy nhất để kiềm chế Trung Quốc chính là khi họ tự khống chế bằng những hành động của mình” - ông trao đổi với báo Wall Street Journal.
Bình luận (0)