Bài phát biểu được ông Trump thực hiện hồi tuần trước trên boong tàu USS Gerald R. Ford có chi phí chế tạo khoảng 13 tỉ USD. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố siêu tàu sân bay này – một trong những tàu chiến đắt nhất mà quân đội Mỹ từng chế tạo – sẽ là trọng tâm để Washington thể hiện sức mạnh quân sự ở nước ngoài.
Trước hàng chục thủy thủ, ông Trump khẳng định do được chế tạo chắc chắn và kích thước lớn nên USS Gerald R. Ford “không thể bị tấn công”. Sau đó, ông Trump cam kết tăng đội tàu sân bay của Mỹ từ 10 lên 12 chiếc, đồng thời giảm chi phí chế tạo 3 siêu tàu sân bay vốn đã đội giá từ 27 tỉ USD lên 36 tỉ USD trong một thập kỷ qua.
Chỉ tính riêng chiếc USS Gerald R. Ford đã vượt ngân sách 2,5 tỉ USD và thời gian hoàn thành chậm hơn dự kiến 3 năm. Còn tàu sân bay lớp Ford thứ hai, John F. Kennedy, có thể trễ hẹn tới 5 năm.
Tuyên bố mở rộng đội tàu sân bay của tổng tư lệnh Mỹ được đưa ra giữa lúc các đối thủ của Washington có thể đã phát triển thành công nhiều loại vũ khí chống hạm hiện đại, đủ sức phá hủy đội tàu sân bay đắt tiền của Mỹ.
Trong một cuộc tập trận ngoài khơi bang Florida vào năm 2015, một tàu ngầm hạt nhân nhỏ của Pháp là Saphir đã vượt qua nhiều lớp phòng thủ và “đánh chìm” tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt cùng một nửa số tàu hộ tống của nó. Trong các cuộc tập trận hải quân khác, ngay cả những tàu ngầm chạy diesel - điện kiểu cũ cũng hạ gục được các tàu sân bay.
Theo thống kê, kể từ đầu những năm 1980 đến nay, các tàu sân bay Mỹ và Anh đã bị đánh chìm ít nhất 14 lần khi tham gia tập trận mô phỏng các trận chiến ngoài đời thực.
Ông Roger Thompson, chuyên gia phân tích quốc phòng kiêm GS tại Trường ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc), nói rằng các loại vũ khí chống hạm mạnh mẽ được Trung Quốc, Nga và Iran chế tạo những năm gần đây đã trở thành mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay Mỹ.
Các loại vũ khí mới bao gồm tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền, chẳng hạn tên lửa chống hạm Đông Phong-21 của Trung Quốc với tầm bắn 1.770 km, có thể bay với tốc độ gấp 10 lần tốc độ của âm thanh. Một số tàu ngầm Nga và Trung Quốc cũng có thể phóng tên lửa hành trình dẫn đường chính xác từ xa, áp đảo hệ thống phòng không của tàu sân bay Mỹ. Đó là chưa kể các ngư lôi tốc độ cao mà Nga, Trung Quốc, Iran cùng nhiều nước khác đã phát triển được.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối năm ngoái, Đô đốc Scott Swift, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, ca ngợi sự linh hoạt của các tàu sân bay. Vị này cho biết chúng vẫn “hoạt động rất hiệu quả” và đủ mạnh để gửi ra chiến trường.
Tuy nhiên, khi nhắc đến những vũ khí chống hạm mới, ông Swift nói rằng tàu sân bay Mỹ “không còn hiệu quả như cách đây 15 năm”. Hiện nay, chỉ còn Mỹ duy trì chiến lược hải quân dựa trên tàu sân bay. Ngược lại, Nga và Trung Quốc mỗi nước chỉ có 1 tàu sân bay hoạt động.
Trong khi đó, một số nhà phê bình, bao gồm quan chức Bộ Quốc phòng cao cấp, phàn nàn Washington chi quá nhiều ngân sách quốc phòng vào một số ít các siêu tàu sân bay đắt tiền.
Lúc tham gia tranh cử, ông Trump cam kết sẽ tăng đội tàu của hải quân Mỹ lên 350 chiếc. Hải quân Mỹ hiện có 277 tàu được triển khai cho các hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, riêng chi phí của một siêu tàu sân bay lớp Ford đã ngốn 10,5 tỉ USD – tức chiếm gần 20% tổng ngân sách dự kiến của nhà lãnh đạo Mỹ trong năm tới là 54 tỉ USD.
Torng khi đó, ông Trump không đề cập đến việc Công ty đóng tàu Huntington Ingalls Industries, bắt đầu chế tạo siêu tàu sân bay lớp Ford cách đây hơn 3 năm song đến thời điểm này, hải quân Mỹ vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì tồn tại những sai sót nghiêm trọng. Nhiều hệ thống công nghệ cao mới đã không phát huy tính hiệu quả, bao gồm thiết bị chặn máy bay hạ cánh.
Phương án thay thế khả thi nhất đối với các tàu sân bay Mỹ là chế tạo nhiều tàu nhỏ hơn, trong đó có tàu ngầm và tàu nổi. Tàu ngầm không yêu cầu tàu hộ tống và có thể bắn tới những mục tiêu ở xa trên đất liền.
Bình luận (0)