Bên cạnh việc cấm con tàu cập cảng, lực lượng vũ trang của Singapore (SAF) cũng từ chối cho chiến hạm KRI Usman Harun tham gia các bài tập quân sự.
Phát biểu tại cuộc họp Quốc hội hôm 18-2, ông Ng Eng Hen cho biết Bộ quốc phòng Singapore “hết sức thất vọng và không thể giải thích được cách đặt tên cho con tàu của Indonesia”. Vị Bộ trưởng cho biết thêm sự hiện diện của tàu KRI Usman Harun trên biển giống như một “lời nhắc nhở thường xuyên về cuộc xâm lược và tội ác tàn bạo của Hải quân Indonesia đối với những người dân vô tội Singapore cùng với gia đình của họ”.
Tuy nhiên, theo ông Eng Hen, Indonesia vẫn tiếp tục xây dựng mối quan hệ về quân sự tốt đẹp hơn với quốc đảo sư tử bất chấp sự cố kể trên.
Sau khi lệnh cấm được ban hành, Bộ trưởng an ninh Indonesia Djoko Suyanto lập tức phản ứng: “Tàu KRI Usman Harun thậm chí còn chưa tới Singapore, vấn đề ở đây là gì vậy? Và thêm nữa, ai nói rằng chúng tôi sẽ đưa tàu chiến này tới quốc đảo sư tử”.
Còn Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa thì có những lời lẽ nhẹ nhàng hơn. Ông khẳng định lại ý kiến trước đó rằng nước ông không có “ý định xấu” trong việc đặt tên chiến hạm. “Vấn đề này xuất phát từ sự hiểu biết và nhận thức khác nhau. Tại sao chúng ta không chấp nhận nó và dừng cuộc tranh luận tại đây” – ông nói.
Chiến hạm KRI Usman Harun của Indonesia được ghép từ tên của 2 người lính thủy quân lục chiến Usman Haji Mohamed Ali và Harun Said, những người tổ chức cuộc đánh bom vào tòa nhà MacDonald vào năm 1965 khiến 3 dân thường thiệt mạng và 33 người khác bị thương.
Hai binh sĩ này bị kết tội và treo cổ tại Singapore vào năm 1968, trước khi Tổng thống Indonesia lúc đó là Suharto mở lời xin khoan hồng cho các nghi phạm. Cả hai cũng được tôn vinh là anh hùng ở Indonesia.
Bình luận (0)