Với việc Singapore trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, Bắc Kinh đang nhanh chóng tăng cường quan hệ quân sự với các nước láng giềng nhỏ hơn. Trong hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng diễn ra hồi đầu tháng này, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đều nhất trí về một loạt các sáng kiến mới để củng cố mối quan hệ giữa các bên.
Cụ thể, trong năm nay, 2 bên có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên, báo hiệu một mối quan hệ ấm cúng cũng như sự gấp gáp của Trung Quốc trong vai trò lực lượng mới nổi trong khu vực.
Đôi bên còn nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin như điều lệ đề xuất cho những vụ chạm trán bất ngờ trên không và trên biển. Bằng cách này, tất cả các bên hy vọng sẽ tránh được những cuộc đụng độ vô tình và các trường hợp hiểu lầm khác ở những điểm nóng như biển Đông.
Công trình xây dựng của Trung Quốc trên đá Xu Bi. Ảnh: AP
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, cũng tái khẳng định "tình hữu nghị sâu sắc" giữa Bắc Kinh và ASEAN. Ông Thường đã đến Singapore trong 5 ngày và gặp gỡ Thủ tướng Lý Hiển Long trong một loạt cuộc họp nhằm đảm bảo mối quan hệ đang dần ổn định.
Những năm gần đây, Trung Quốc và Singapore xung đột vì Singapore cải thiện quan hệ với Mỹ và Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh việc tuân thủ các luật pháp quốc tế khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về Tranh chấp chủ quyền biển Đông.
Tuy nhiên, quan hệ giữa 2 nước đã hồi phục trong những tháng gần đây. Singapore có vai trò đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng phía Nam vì đảo quốc này hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng là quốc gia điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, người đồng chủ trì hội nghị các bộ trưởng quốc phòng, gọi người đồng cấp Trung Quốc là một người bạn rất tốt và vững chắc của ASEAN, nhấn mạnh ông Thường "nỗ lực rất nhiều để đưa quan hệ quốc phòng song phương giữa Trung Quốc và ASEAN tiến về phía trước".
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tuy nhiên, các tranh chấp hàng hải tiếp tục là nguồn gốc căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Trong hội nghị, các nhà ngoại giao cũng bày tỏ lo ngại về tranh chấp trên biển Đông.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, ASEAN "ghi nhận những lo ngại của một số bộ trưởng về việc cải tạo đất và các hoạt động trong khu vực đã làm tổn hại niềm tin, sự tín nhiệm, gia tăng căng thẳng và có thể gây suy giảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".
Cụ thể, các nước đều lo lắng về các hành động bị cáo buộc là quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên các hòn đảo ở biển Đông. Việc mở rộng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực đã tạo ra những thử thách mới đối với việc tăng cường quan hệ với những nước như Philippines. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã tìm cách củng cố quan hệ với cường quốc châu Á.
Để đáp lại áp lực ngày càng tăng của công chúng về việc nên có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc, tổng thống Philippines đặt ra những hạn chế mới về việc nghiên cứu khoa học hàng hải của Trung Quốc và các cơ quan nước ngoài khác trong vùng Benham Rise.
Trung Quốc đang tìm cách để được cấp phép nghiên cứu khoa học trong khu vực chiến lược có nhiều tài nguyên khoáng vật đáy biển và thủy sản này. Tuy nhiên, các cơ quan trong chính phủ Philippines và cộng đồng dân sự đã phản đối quyết liệt việc cho phép Trung Quốc tiếp cận khu vực.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ duy trì vị trí chiến lược cao trong khu vực nhờ vào ưu thế quân sự cũng như sự nhạy bén trong ngoại giao. Vì vậy, ASEAN dự kiến sẽ phải tăng cường đối thoại thay vì đối đầu.
Bình luận (0)