Ngoài ra, theo ông Esper, ít nhất 1 tên lửa trúng căn cứ ở TP Erbil. Một số tên lửa khác "đáp" xuống cách khá xa mục tiêu. Các mục tiêu bị trúng tên lửa gồm khu liều trại, 1 trực thăng và một khu đỗ xe nhưng vụ tấn công nhìn chung không gây thiệt hại đáng kể.
Nhiều nhà quan sát và quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump nghi rằng Iran đã cố tình trả đũa nhưng không gây thương vong nhằm tránh căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, ông Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, lại có suy nghĩ khác khi nói các hệ thống cảnh báo sớm đã giúp ngăn thương vong xảy ra.
Ảnh vệ tinh cho thấy hư hại tại căn cứ không quân Ayn al-Asad sau vụ tấn công tên lửa của Iran hôm 8-1. Ảnh: Reuters
"Tôi tin rằng, dựa vào những gì tôi thấy và biết, các tên lửa (Iran) được bắn đi nhằm gây hư hại các cấu trúc, phá hủy phương tiện, thiết bị, máy bay và giết binh sĩ (Mỹ)" - ông Milley cho biết.
Cũng theo ông Milley, các tên lửa bắn đi có sức công phá và bán kính sát thương đáng kể. Dù vậy, những căn cứ như Ayn al-Asad có những cơ sở và thiết bị giúp bảo vệ lực lượng ở đó trong trường hợp bị tấn công.
Tướng này không cho biết liệu Iran có tiếp tục ra tay trả thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani sau vụ tấn công tên lửa hôm 8-1 hay không.
Khi được hỏi rằng liệu Iran có xem đây là nhiệm vụ "chưa hoàn thành" vì chưa gây thiệt hại về người cho Mỹ hay không, ông Milley cho biết có lẽ còn quá sớm để nói về chuyện này.
Thay vào đó, giới chức quân sự Mỹ đánh giá nhiều khả năng các nhóm Hồi giáo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria.
Đánh giá của ông Milley phần nào cho thấy Tehran đã hoặc vẫn còn sẵn sàng ra tay trả thù bất chấp nguy cơ bị trả đũa mạnh mẽ từ Washington.
Bình luận (0)