Iran đã trả đũa vụ ám sát tướng Qassem Soleimani bằng cách bắn hàng chục tên lửa đạn đạo về phía 2 cơ sở quân sự Mỹ ở Iraq rạng sáng 8-1 (giờ địa phương). Theo giới phân tích, Tehran đã tiến hành một vụ tấn công có tính toán, qua đó hiện thực hóa lời đe dọa trả thù cho cái chết của tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Đây cũng là bước ngoặt trong mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Iran bởi nó đánh dấu lần đầu tiên Tehran ra tay tấn công trực diện binh sĩ Mỹ, từ đó làm tăng nỗi lo về nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai nước này.
Yếu tố thương vong
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng những gì xảy ra tiếp theo còn tùy thuộc vào mức độ thiệt hại do các tên lửa gây ra tại căn cứ không quân gần TP Erbil, thủ phủ khu vực bán tự trị của người Kurd và căn cứ không quân Ain Al-Asad ở tỉnh Anbar. "Nếu thiệt hại không có gì đáng kể, tình hình có thể xuống thang. Trong trường hợp ngược lại và có thương vong của người Mỹ, Iran có thể đối mặt hành động trả đũa mạnh mẽ của Mỹ" - ông Stephen Ganyard, nhà phân tích quân sự người Mỹ, nói với đài ABC News.
Ảnh chụp từ đoạn video được cho là ghi lại cảnh vụ phóng tên lửa Iran nhằm vào căn cứ không quân Ain al-Asad ở Iraq Ảnh: SIMA NEWS
Theo sau vụ tấn công, IRGC ra tuyên bố cảnh báo "bất kỳ cuộc xâm lược hoặc hành động gây hấn mới nào sẽ dẫn đến hành động đáp trả đau đớn và mạnh mẽ hơn nữa", đồng thời thúc giục Mỹ rút quân khỏi khu vực để tránh nguy cơ xảy ra thương vong. Ông Mick Mulroy, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định tuyên bố này dường như là nỗ lực của IRGC nhằm khép lại cuộc xung đột lần này bằng vụ tấn công trong lúc thừa nhận khả năng leo thang căng thẳng vẫn hiện hữu. Ông Mulroy cũng nhấn mạnh đến yếu tố thương vong của người Mỹ, nếu có, trong bất kỳ tính toán nào của Nhà Trắng về hành động đáp trả.
Sau trả đũa là xuống thang?
Giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết vẫn đang đánh giá thiệt hại của vụ tấn công nhưng thông tin ban đầu cho thấy không có thương vong của Mỹ. Nếu điều này không có gì thay đổi, cộng với việc Iran không có thêm hành động trả đũa nào nữa, cơ hội vẫn còn để hai bên tìm kiếm lối thoát ra khỏi cuộc đối đầu ngày càng bạo lực này. Dù vậy, kịch bản xấu nhất có thể xảy ra nếu thông tin được phía đài truyền hình nhà nước Iran đưa ra hôm 8-1 là chính xác. Cụ thể, theo thông tin này, ít nhất 80 "phần tử khủng bố Mỹ" thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng 15 tên lửa của Iran nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq. Dẫn một nguồn tin của IRGC, đài truyền hình Iran nói thêm vụ tấn công cũng gây "thiệt hại nặng nề" cho nhiều trực thăng và thiết bị quân sự Mỹ.
Một mảnh vỡ tên lửa được tìm thấy sau vụ tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân gần TP Erbil ở Iraq hôm 8-1 Ảnh: REUTERS
Tuyên bố sau vụ tấn công, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei gọi đây là "cú tát vào mặt nước Mỹ" nhưng cho rằng hành động này là chưa đủ và kêu gọi lực lượng Mỹ rời khỏi Trung Đông. Theo truyền thông nhà nước Iran, một quan chức văn phòng nhà lãnh đạo này tiết lộ vụ tấn công tên lửa là hành động đáp trả "ít mạnh mẽ nhất" trong số các lựa chọn được xem xét. Tehran hiện có khoảng 100 mục tiêu tấn công tiềm tàng khác ở khu vực nếu Washington có hành động trả đũa.
Báo Hindu (Ấn Độ) đã chỉ ra một số kịch bản đe dọa dẫn đến chiến tranh toàn diện Mỹ - Iran. Trong trường hợp ông Donald Trump ra lệnh không kích bên trong lãnh thổ Iran, Tehran có thể đáp trả hơn nữa về quân sự và cuộc xung đột có thể vượt tầm kiểm soát. Ngoài ra, ngay cả khi ông chủ Nhà Trắng không muốn gia tăng căng thẳng, Iran có thể tấn công binh sĩ Mỹ ở Iraq thông qua các lực lượng ủy nhiệm, từ đó lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn. Vụ tấn công nhằm vào căn cứ ở gần Erbil, nơi có đặt Lãnh sự quán Mỹ, có thể được xem là thông điệp gửi đến Washington rằng binh sĩ và người Mỹ ở đó sẽ không an toàn.
Hai căn cứ quân sự có quân Mỹ đồn trú bị tấn công: Erbil và Ain al-Asad Nguồn: REUTERS
Trước mắt, theo hãng tin AP, đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy sẽ không có sự leo thang trả đũa nào từ hai bên, ít nhất là trong ngắn hạn. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sau vụ tấn công rằng "tất cả đều ổn". Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif viết trên tài khoản Twitter rằng Tehran đã thực hiện và hoàn thành các biện pháp tự vệ tương xứng và nhấn mạnh nước này không tìm kiếm sự leo thang hoặc chiến tranh nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước bất kỳ hành động gây hấn nào.
Công dân Philippines được lệnh rời Iraq
Philippines đã ra lệnh cho công dân nước này rời khỏi Iraq, sau khi Iran tấn công lực lượng Mỹ ở Iraq để đáp trả việc Washington sát hại tướng Qassem Soleimani hồi tuần trước. Ông Eduardo Menez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, hôm 8-1 cho biết mức cảnh báo trên toàn Iraq đã lên cấp độ 4, đủ để bắt buộc di tản. Theo bộ này, có 1.600 người Philippines đang làm việc tại Iraq; hơn một nửa số đó ở khu tự trị của người Kurd, số còn lại ở các cơ sở của Mỹ và nước ngoài khác đóng tại Baghdad và trong các cơ sở thương mại ở Erbil. Tính tổng cộng, khoảng 2,3 triệu người Philippines đến Trung Đông làm người giúp việc gia đình, công nhân xây dựng, kỹ sư và y tá.
Một tàu tuần duyên của Philippines, mới được mua từ Pháp và đang trên đường đến Philippines, đã được lệnh đến Oman và Dubai để hỗ trợ người dân nước này. Cảnh sát biển Philippines thông báo: "Những người Philippines lao động ở nước ngoài sẽ được đưa đến các cảng an toàn, nơi họ có thể được đưa đi bằng đường hàng không khi cần".
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana vừa được bổ nhiệm đứng đầu một ủy ban mới thành lập để chuẩn bị cho công tác sơ tán. Ông khẳng định chính phủ nước này đang chuẩn bị máy bay cho công dân Philippines ở Iraq và Iran muốn về nhà hoặc di chuyển đến khu vực an toàn hơn.
Lục San
Bình luận (0)