Theo các nguồn tin nói trên, Bắc Kinh đang xem xét khả năng gia nhập một thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đã "rút chân" trước đó, giữa lúc áp lực gia tăng từ chiến tranh thương mại.
Ý đồ của Trung Quốc
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đối phó chủ nghĩa bảo hộ cũng như chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của chính quyền Tổng thống Donald Trump và thúc đẩy vai trò của mình trong thương mại tự do bằng cách tham gia CPTPP.
Cho tới nay,Trung Quốc chưa công khai bất cứ sự quan tâm nào với việc gia nhập CPTPP và trước đó, họ từng không đăng ký trở thành thành viên của hiệp định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – tiền thân của CPTPP trước khi Mỹ rút. Lý do mà Trung Quốc đưa ra là hiệp định quá phức tạp.
Đại diện các nước tham gia ký kết CPTPP tại Chile. Ảnh: Reuters
Theo The South China Morning Post, Trung Quốc từng nhìn phiên bản ban đầu của TPP với ánh mắt ngờ vực khi nó được soạn thảo vào năm 2015.
Trong khi đó, Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama lại dồn lực để hoàn thành hiệp định, cho rằng đó là nỗ lực nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của các nước thành viên hiệp định vào nền thương mại Trung Quốc và đưa họ tới gần hơn với Mỹ.
Thay đổi thái độ
Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên cho biết thái độ với CPTPP đã âm thầm thay đổi ở Bắc Kinh, khi các quan chức nước này trong một vài tháng qua được cho là đã nghiên cứu các khả năng, cũng như tìm kiếm các lời khuyên để tham gia hiệp định.
Giới quan sát nói rằng việc tham gia CPTPP sẽ giúp Trung Quốc mở rộng các mối quan hệ thương mại và nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong bối cảnh Trung Quốc đang đối diện với rủi ro có thể bị Mỹ cô lập về kinh tế. CPTPP có sự bao phủ lớn trong kinh tế toàn cầu với 11 nước thành viên, bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Trong một động thái có thể làm đảo lộn các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, một thỏa thuận thương mại ba bên mới đạt được hồi tuần rồi giữa Mỹ, Canada, Mexico và đang chờ phê chuẩn, có một điều khoản mà Bắc Kinh gọi là "thuốc độc" quy định rằng Mỹ có quyền phủ quyết thỏa thuận, nếu Canada và Mexico ký thỏa thuận thương mại tự do với một "nền kinh tế phi thị trường", thuật ngữ dường như nhằm vào Trung Quốc.
"Nỗi quan ngại lớn nhất với Bắc Kinh có thể là việc Mỹ và các đồng minh thiết lập một hàng rào thương mại và đẩy Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi" - ông Wang Huiyao, giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Bắc Kinh), nhận định.
Vị chuyên gia này cho rằng việc tham gia CPTPP có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới về tiến trình mở cửa và cải cách của nền kinh tế Trung Quốc.
"Tham gia CPTPP có thể trở thành công cụ cho Trung Quốc nhằm đối phó Mỹ và giúp Bắc Kinh tạo ra mạng lưới thương mại mới ngoài "Vành đai và Con đường" và tổ chức hợp tác Thượng Hải. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc những mạng lưới thương mại khác" - ông Wang nhấn mạnh.
Bình luận (0)