Theo Reuters, cơn bão chết người bủa vây California trong 2 ngày 4 và 5-1 có nguồn gốc từ hai hiện tượng chồng chéo là sông khí quyển và bom lốc xoáy.
Sông khí quyển là luồng hơi ẩm dày đặc - một "dòng sông trên trời" theo nghĩa đen, mang lượng nước cực lớn từ đại dương trút xuống lục địa. Bom lốc xoáy là một hệ thống áp thấp do bão có sức lan tỏa và tàn phá cực lớn. Cả hai đều được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu.
Xe cộ di chuyển trên đường trơn trượt và đầy cây đổ ở TP San Francisco, Califonia - Ảnh: REUTERS
Một cuộc phỏng vấn "dã chiến" của đài truyền hình trước trạm xăng bị đổ sập ở Daly City hôm 5-1 - Ảnh: REUTERS
Cơ quan thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) dự đoán lượng mưa trên diện rộng là 2,5 cm mỗi giờ; tuyết ở dãy núi Sierra Nevada rơi tận 7,6 cm mỗi giờ, khiến việc đi đường trở nên cực kỳ nguy hiểm.
NWS cũng cảnh báo khả năng xảy ra lũ quét và lở đất, đặc biệt là ở những khu vực mới bị cơn bão hồi tuần trước tấn công, nay lại bị cơn bão mới tàn phá khi chưa kịp phục hồi. Nhiều sườn đồi California bị lửa làm trơ trụi trong mùa hè cháy rừng vừa qua cũng có nguy cơ bị trượt, sạt lở.
Một chiếc xe hơi ngập trong nước ở Oakland - Ảnh: AP
Một bờ biển ở Santa Cruz bị bão hủy hoại - Ảnh: TWITTER
Cầu Cổng Vàng nổi tiếng của San Francisco nhạt nhòa trong mưa lớn hôm 5-1 - Ảnh: REUTERS
Các cảnh báo về gió lớn, gió giật mạnh được thông báo khắp tiểu bang. Hàng loạt cây cối vốn đã yếu đi do mùa hạn hán trước đó nên không thể neo chặt trong đất thấm nước mưa, bật gốc làm đổ sập các đường dây điện và chặn các con đường.
Nhà chức trách đã báo cáo ít nhất 2 trường hợp tử vong do cơn bão mới nhất, là một cô gái 19 tuổi và bé trai 1 tuổi. Cô gái tử vong do xe bị trượt trên đường ngập nên đâm vào cột điện, bé trai thiệt mạng do cây đổ vào một ngôi nhà trong đêm.
Trước đó, cơn bão cuối tuần qua - cũng do sông khí quyển - đã khiến 4 người khác tử vong.
Khu vực Santa Cruz bị tàn phá nặng nề - Ảnh: TWITTER
Người dân TP San Francisco tranh thủ đi lại khi bão tạm lắng hôm 4-1 trước khi tiếp tục tàn phá nặng nề vào hôm 5-1 - Ảnh: REUTERS
Một người dân San Francisco đi lại trong mưa - Ảnh: AP
Có khoảng 180.000 ngôi nhà mất điện hôm 5-1, nhiều tuyến đường chính ở Point Arena và Gulala không thể đi lại, trong khi bãi biển đẹp nổi tiếng Big River ngập trong cây đổ và mảnh vụn.
Thống đốc bang California Gavin Newsom đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ hôm 4-1. Người dân được kêu gọi tránh đi lại trong khi lực lượng chức năng nỗ lực thu dọn cây đổ và các mảnh vỡ làm tắc đường.
Bình luận (0)