xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sonia Gandhi như một huyền thoại

THẢO HƯƠNG

Sinh ra ở Ý, theo đạo Ki-tô, lấy chồng là một thành viên của gia tộc Nehru-Gandhi lừng lẫy, bà Sonia Gandhi là nữ chính khách có quyền lực nhất ở Ấn Độ và là một người mẹ tuyệt vời

Ngày 13-5 vừa qua, nhân Ngày của mẹ, tạp chí tài chính Mỹ Forbes đã bầu chọn 20 người mẹ xuất sắc trong số 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới với tiêu chí thành đạt trong cả 2 lĩnh vực chuyên môn và nuôi dạy con cái.
Đứng đầu bảng danh sách là bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ và cuối bảng là bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ phe đối lập Quốc hội Myanmar. Bà Sonia Gandhi đứng thứ 6, trên đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama một bậc, là người thứ 2 sống tại châu Á trong danh sách này.

Định mệnh trớ trêu

Cuộc đời bà Sonia Gandhi đáng lý ra có một kết thúc giống như một câu chuyện cổ tích tân thời: Một cô hầu bàn xinh đẹp người Ý gặp một hoàng tử trong mộng Ấn Độ ở xứ sở sương mù Anh cách đây 47 năm. Họ lấy nhau, có 2 con, trai gái đề huề và sống hạnh phúc.

Thế nhưng khi Sonia Maino lấy Rajiv Gandhi năm 1968, câu chuyện cổ tích chỉ đúng có một nửa. Sonia gặp một hoàng tử đẹp trai nhưng đồng thời bị cuốn hút vào vòng xoáy lịch sử đất nước của chàng.

Rajiv Gandhi là thành viên của một gia đình trị vì Ấn Độ từ năm 1940. Gia đình có 3 người làm thủ tướng thì có đến 2 người bị ám sát. Ông ngoại của Rajiv, ông Jawaharlal Nehru, là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Mẹ của Rajiv, bà Indira Gandhi, làm thủ tướng được 3 nhiệm kỳ thì bị 2 vệ sĩ riêng ám sát vào năm 1984. Rajiv thay mẹ làm thủ tướng chưa được bao lâu cũng bị ám sát vào năm 1991, lúc 47 tuổi.

img
Bà Sonia (trái) và Rahul Gandhi. Ảnh: PTI
Bà Sonia không tin có một lời nguyền nào đó đối với gia tộc Nehru-Gandhi. Bản thân bà vốn cũng không thích làm chính trị. Còn nhớ bà từng nói với chồng hồi còn làm phi công máy bay dân dụng rằng “nếu anh làm chính khách, tôi sẽ ly dị ngay”. Nhưng trước cái chết bất ngờ và bi thảm của mẹ chồng, bà không thể ngăn cản chồng trở thành thủ tướng thứ 6 của Ấn Độ, nhất là sau khi Sanjay Gandhi, em trai của chồng, trước đó đã tử nạn trong một tai nạn máy bay.

Một thập niên sau cái chết của chồng, bà Sonia từ chối tiếp nối sự nghiệp chính trị của gia đình bên chồng. Trong thời gian đó, uy tín Đảng Quốc đại (INC) - do ông Nehru, bà Indira Gandhi và Rajiv lãnh đạo lúc sinh thời - giảm mạnh vì nội bộ mất đoàn kết do thiếu một nhà lãnh đạo có uy tín. Để cứu nguy, các vị bô lão và thủ lĩnh các phe trong đảng tha thiết yêu cầu bà Sonia Gandhi làm chủ tịch đảng vì tiếng tăm gia tộc Nehru-Gandhi vẫn còn đó và đảng không còn sự lựa chọn nào khác.

Khôn khéo, khiêm nhường

Năm 1998, bà Sonia Gandhi đồng ý làm chủ tịch INC nhưng cương quyết từ chối làm thủ tướng nếu có cơ hội. Trái với sự lo ngại của nhiều người, bà Sonia đã chứng minh rằng bà là một chiến thuật gia chính trị khôn khéo đã vực dậy uy tín của đảng một cách thuyết phục. Bằng chứng là sau chiến thắng giòn giã của liên minh trung tả (UPA) do bà làm chủ tịch trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2004, bà đã nhường ghế thủ tướng cho ông Manmohan Singh, một nhà kinh tế có đầu óc cải cách, được mọi người kính trọng. Bà vẫn đảm nhiệm chức chủ tịch UPA và lúc nào cũng chiều theo ý ông Singh về mặt công khai.

Trong cư xử, không giống như bà Indira Gandhi tính khí độc đoán; với khả năng nói thông thạo tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Nga ngoài tiếng Ý mẹ đẻ, bà Sonia biết lắng nghe người khác bất kể là ai. Trong khi đàm đạo, bà luôn nhún mình nhưng bà cười thầm khi một số chính khách lầm tưởng bà chỉ là cái loa của INC và UPA.

Tháng 8 năm ngoái, bà Sonia qua Mỹ để phẫu thuật một căn bệnh không được tiết lộ. Không chỉ những người trong đảng mà nhiều nghị sĩ đã khóc. Theo đánh giá của đài BBC, tuy chỉ là chủ tịch INC và UPA, quyền lực của bà góa phụ 65 tuổi còn cao hơn cả thủ tướng.

Con là tất cả

Kể từ ngày chồng chết, bà Sonia dành hết thì giờ chăm sóc Rahul, con trai sinh năm 1970 và Priyanka, con gái, sinh năm 1972. Lúc đầu, bà không muốn các con đi theo con đường của cha. Bà từng phát biểu công khai: “Tôi thật tình muốn thấy chúng đi ăn xin hơn là lao vào vòng xoáy tàn nhẫn của chính trường Ấn Độ”.

Khi Priyanka lấy chồng và trở thành chính khách, bà Sonia bày tỏ âu lo: “Priyanka là một người mẹ trẻ có 2 con nhỏ và một người chồng cần được quan tâm đúng mức. Nếu làm chính trị, sẽ không thể có được sự quan tâm cần thiết”.

Nói như vậy nhưng từ ngày không thể từ chối trách nhiệm đối với một gia đình thuộc hàng danh gia vọng tộc trong chính trường Ấn Độ và trở thành chính khách có tầm ảnh hưởng rất lớn đến 1,2 tỉ người dân Ấn Độ, bà Sonia âm thầm vun đắp tương lai chính trị cho các con.

Rahul hiện nay đảm đương chức tổng thư ký INC và trở thành lãnh tụ quan trọng nhất của đảng sau khi bà Sonia buộc phải giảm bớt các hoạt động chính trị do sức khỏe suy yếu. Rahul là niềm hy vọng lớn nhất của đảng và của bà Sonia. Priyanka cũng là một nghị sĩ quốc hội, giỏi tổ chức những cuộc mít-tinh hậu thuẫn cho anh và mẹ. Đồng thời Priyanka cũng là một trợ thủ đắc lực của bà Sonia.

Tóm lại, như đài BBC bình luận, sau cuộc bầu cử năm 2004, gia đình Nehru-Gandhi sẽ tiếp tục lãnh đạo Ấn Độ ít nhất thêm một thế hệ nữa với Rahul và Priyanka.

Kỳ tới: Christine Lagarde, bà mẹ đơn thân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo