Theo tờ IB Times, sự cố xảy ra trong ngày 11 và 12-4. Các máy bay ném bom Su-24 và trực thăng chống ngầm Ka-27 Helix của Nga lúc đó hoạt động tại vùng biển quốc tế, ngoài khơi bờ biển Ba Lan, cách Kaliningrad khoảng 70 hải lý.
Các quan chức Washington tiết lộ 1 trong 2 chiếc Sukhoi Su-24 đã áp sát tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Donald Cook hôm 11-4 ở khoảng cách “không an toàn và không chuyên nghiệp”, chỉ có 9 m. Chiếc còn lại bay ở khoảng cách 30 m phía trên tàu chiến Mỹ.
Tối hôm sau, máy bay ném bom Nga “thực hiện một cuộc tấn công giả định” vào tàu USS Donald Cook. Trực thăng chống ngầm Ka-27 Helix của Nga cũng bị cáo buộc lượn quanh con tàu 7 lần và chụp ảnh.
Phía Mỹ cho biết các thủy thủ tàu USS Donald Cook đã cố gắng liên lạc vô tuyến điện với các máy bay Nga song không nhận được trả lời.
Quân đội Mỹ tin rằng hành động của máy bay Nga đã vi phạm một hiệp ước ký năm 1973 giữa Mỹ và Liên Xô, nội dung ngăn ngừa các sự cố trên biển. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hiệp ước này nghiêm cấm 2 bên “tấn công mô phỏng lẫn nhau”.
Trong một tuyên bố, Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ cho biết: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về cuộc diễn tập máy bay không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của Nga. Những hành động này có khả năng leo thang căng thẳng không đáng có giữa 2 nước và có thể dẫn đến tính toán sai lầm hoặc tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chấn thương, thậm chí tử vong”.
Trong ngày 13-4, Nhà Trắng cũng tuyên bố vụ việc"hoàn toàn đi ngược các chuẩn mực chuyên nghiệp của quân đội hoạt động gần nhau trong hải phận quốc tế và không phận quốc tế"
Chiều 13-4, Hải quân Mỹ đăng tải đoạn video quay cảnh máy bay Nga áp sát tàu chiến Mỹ lên trang YouTube để chứng tỏ sự nguy hiểm mà chiến đấu cơ Nga gây ra cho con tàu. Khi xảy ra sự cố, USS Donald Cook đang chở 1 trực thăng của Ba Lan tham gia cuộc tập trận thường xuyên.
Nga chưa có phản ứng chính thức trước thông tin trên. Trang Sputnik chỉ dẫn lại thông tin từ phía Mỹ và gọi đây là "sự cố nhỏ".
Những tháng gần đây, các vụ chạm trán giữa máy bay Nga và tàu chiến Mỹ diễn ra với tần suất dày đặc hơn. Tháng 10 năm ngoái, máy bay của Hải quân Mỹ đã chặn 2 máy bay Nga Tu-142 bay gần tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Thái Bình Dương.
Trước đó, hồi tháng 6-2015, một chiếc Su-24 của Nga tiếp cận trong phạm vi 500 m đối với 1 tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ tại biển Đen, gần bán đảo Crimea.
Các cuộc diễn tập trên không của Moscow được thực hiện trong bối cảnh NATO tăng cường lực lượng ở Đông Âu. Trong những tuần qua, Mỹ triển khai khí tài quân sự bổ sung khắp châu Âu như một phần của Giải pháp Hoạt động Đại Tây Dương.
USS Donald Cook "thừa sức tự vệ"
Theo Lầu Năm Góc, tàu USS Donald Cook của Mỹ không có bất kỳ hành động đáp trả nào. Tuy bị áp sát nhưng con tàu không gặp nguy hiểm. “Donald Cook thừa khả năng tự bảo vệ trước 2 chiếc Su-24" - người phát ngôn Lầu Năm Góc Steve Warren nhấn mạnh trong cuộc họp báo hôm 13-4.
Trang Navy Times dẫn lời đại tá Rick Hoffman, sĩ quan từng chỉ huy tàu hộ tống DeWert và tàu tuần dương Hue City của Mỹ, đánh giá tàu khu trục Mỹ không "động thủ" là vì hành động của Nga tuy có tính khiêu khích song chưa tới mức đe dọa.
Theo ông, máy bay Nga không trang bị vũ khí và không có dấu hiệu ngắm bắn tàu Mỹ. Hơn nữa, vụ việc diễn ra ở biển Baltic. "Chúng tôi có thể không chấp nhận hành vi như vậy nếu đó là máy bay của Iran ở vịnh Persia" - ông Hoffman nói.
Ngoài ra, nếu chiếc máy bay áp sát tàu là máy bay dân sự, sĩ quan chỉ huy tàu sẽ phải đề phòng đây có thể là một vụ tấn công tự sát. Còn một chiếc Su-24 Nga tấn công tàu Mỹ rồi bay qua vùng trời nhiều đối tác NATO để về nước là khả năng rất thấp.
Tóm lại, theo ông Hoffman, máy bay Nga nhiều khả năng chỉ đang muốn phô trương sức mạnh.
Nguồn: YouTube
Bình luận (0)