Trong khi đó, nhiều địa phương ở Nhật Bản hôm 17-7 tiếp tục đối mặt với nắng nóng, nhiệt độ đạt mức 38 độ C ở một số nơi. Trước đó một ngày, nhà chức trách nước này đưa ra cảnh báo sốc nhiệt đối với hàng chục triệu người tại 20 trong số 47 tỉnh khi nhiệt độ một số nơi lên tới 40 độ C.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo nhiệt độ cao kỷ lục 41,1 độ C được ghi nhận tại TP Kumagaya, tỉnh Saitama hồi năm 2018 có thể sớm bị phá.
Trong khi đó, các quốc gia Nam Âu như Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp đang hứng chịu "bão nhiệt" thiêu đốt. Riêng nước Ý hôm 16-7 ban bố cảnh báo đỏ về nắng nóng tại 16 thành phố. Còn tại Tây Ban Nha, một vụ cháy rừng đang "vượt khỏi tầm kiểm soát" trên đảo La Palma, khiến ít nhất 4.000 người phải sơ tán.
Tình hình có thể thêm đáng lo khi các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ có thể tăng lên mức cao kỷ lục khắp Nam Âu trong những ngày tới.
Các gia đình ở TP Phoenix, bang Arizona - Mỹ đến công viên nước để “hạ nhiệt” hôm 16-7 Ảnh: REUTERS
Nắng nóng cực đoan cũng hoành hành ở miền Tây nước Mỹ hôm 16-7, với nhiệt độ tại sa mạc ở bang California đạt mức 53 độ C. Theo đài NBC News, cảnh báo về nhiệt độ cao đã được đưa ra đối với hơn 110 triệu người tại nước này.
Một số nhà khoa học cảnh báo hiện tượng thời tiết El Nino và biến đổi khí hậu sẽ kết hợp để khiến nhiều kỷ lục nhiệt độ cao bị phá trong năm nay.
Theo họ, tình trạng toàn cầu ấm dần lên làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự kiện nhiệt độ cực đoan. Trong khi đó, El Nino có thể làm trầm trọng thêm sự xuất hiện của các đợt nắng nóng nghiêm trọng ở một số vùng.
Theo tờ South China Morning Post, các đợt nắng nóng đã xảy ra thường xuyên hơn trong những năm qua. Riêng trong năm nay, nắng nóng đã xuất hiện ở Nam Á và Đông Nam Á từ giữa tháng 4, với nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận ở một số nước như Ấn Độ, Bangladesh, Lào, Thái Lan, Myanmar, Singapore...
Bình luận (0)