Đến cuối tháng 8-1973, việc khai quật khu mộ phần của Bao Công đã hoàn thành. Kết quả thu được là 11 bộ di cốt gồm của Bao Công, phu nhân Đổng thị, trưởng nam Bao Ý và vợ Thôi thị, thứ nam Bao Thụ và vợ Văn thị, cháu nuôi Bao Vĩnh Niên cùng một số di cốt khác không xác định được.
Chôn trộm di cốt
Đồ tùy táng thu được khi khai quật khu mộ phần của Bao Công không đáng kể, chỉ có vài quan tiền đồng, ấn đồng, nghiên mực, xâu chuỗi, hộp gỗ. Đáng quý nhất là 6 tấm mộ chí minh với tổng cộng hơn 8.000 chữ, ghi rõ các việc quan hôn, tang tế 7 đời trước và sau Bao Công. Đây chính là nguồn tư liệu đầy đủ và chân thực nhất về Bao Công và dòng họ Bao.
Những bộ di cốt trên đặt trong 11 quan tài gỗ nhỏ cùng 55 nhân dân tệ tiền phí an táng được trao cho đại diện hậu duệ Bao Công. Qua bàn bạc, các thành viên trong gia tộc quyết định thuê xe di quan từ Hợp Phì về gò Long Sơn, thôn Đại Bao, xã Văn Tập, huyện Phì Đông, tỉnh An Huy, là nơi an táng tổ phụ, thân phụ Bao Công.
Ở thôn Đại Bao, con cháu họ Bao rất đông, có đến 150 hộ. Khi mọi người đang bày tiệc đón “lão tổ tông” về cố thổ thì bất ngờ bí thư Thôi, xã Văn Tập, cho người đến truyền lệnh: “Bao Chửng là phái bảo hoàng của triều Tống, kẻ nào dám chôn hắn ở nơi đây thì là thành phần phản cách mạng. Nếu không sớm đưa đi nơi khác thì sẽ bị tiêu hủy”.
Đội trưởng sản xuất là Bao Tiên Trưởng xin mãi không được. Đêm hôm ấy, con cháu họ Bao ở Long Sơn ngồi quanh di cốt của Bao lão gia mà khóc. Một thảo dân còn có 3 thước đất vùi thân, còn Bao Thanh Thiên lại vất vưởng không nơi nhập thổ.
Hôm sau, không còn cách nào khác, 11 bộ di cốt lại phải theo xe quay về TP Hợp Phì để trong nhà Bao Tôn Nguyên - hậu duệ đời thứ 34 của Bao Công. Bao Tôn Nguyên chạy vạy khắp nơi nhưng việc an táng vẫn không được giải quyết.
Đến ngày 23-12-1973, hậu duệ đời thứ 33 là Bao Tiên Chính đánh xe lừa ra Hợp Phì chở thực phẩm, ghé nhà Bao Tôn Nguyên, gặp Bao Nghĩa Húc. Cả 3 người quyết định: Đây là thời cơ tốt để chôn trộm di cốt tổ tông vì mấy tháng qua câu chuyện đã nguội. Họ liền đi mua 11 chiếc vò, đặt 11 bộ di cốt vào rồi để chung trong mớ thực phẩm giả làm vò dưa muối đưa về Đại Bao lần thứ hai. Nửa đêm hôm ấy, Bao Tiên Chính lặng lẽ đưa các vò di cốt lên triền núi Long Sơn an táng.
35 mảnh di cốt Bao Công
Mười năm sau, cơn “địa chấn văn hóa” kinh hoàng đã qua, mọi thứ trở lại với nguyên giá trị của nó. Ngày 6-10-1985, tại Công viên Bao Hà, quần thể mộ phần Bao Công và từ đường Bao Công được xây dựng lại hoành tráng với tiêu chí phải phục chế như nó vốn có.
Bí thư Tỉnh ủy An Huy là Hoàng Hoàng khi biết được tin di cốt Bao Công đã luân lạc trong “cách mạng văn hóa” liền ra chỉ thị đưa trở về khu mộ phần Bao Công ở Hợp Phì. Nhà khoa học Trình Như Phong và Trương Lâm được cử làm phó ban tổ chức phụ trách việc “thiên an” di cốt từ Long Sơn về.
Ngày 4-4-1986, tổ chức nghi thức “thiên an” tại Hợp Phì, 11 chiếc vò đựng di cốt được hạ xuống huyệt mộ đã làm sẵn. Lúc này, Trình Như Phong mới phát hiện 11 chiếc vò hoàn toàn rỗng không. Tìm người đã an táng 11 vò di cốt lúc trước là Bao Tiên Chính thì ông đã qua đời mấy năm rồi, còn con cháu họ Bao đều lắc đầu nói không biết.
Rất có thể Bao Tiên Chính đã học tiền nhân, dùng kế “kim thiền thoát xác”, đem di cốt chôn bí mật nơi khác. Cũng rất có thể số ít hậu duệ Bao Công biết được bí mật này nhưng không muốn thổ lộ vì lão tổ tông của họ đã phải chịu quá nhiều phiền toái, họ không muốn động mồ động mả nữa chăng?
Lúc này, Trình Như Phong bỗng nhớ đến 35 mảnh xương của Bao Công được Ngô Hưng Hán gửi đi giám định tại Khoa Nghiên cứu Cổ nhân loại học và động vật có xương sống của Học viện Khoa học trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh vào năm 1973. Nơi này sau đó đã gửi trả kết quả và mẫu xương về cho Ngô Hưng Hán, chuyên gia của Viện Bảo tàng tỉnh An Huy.
Rất may, trong tủ tài liệu của ông Ngô còn nguyên gói di cốt vẫn niêm phong, bụi bặm bám đầy. Hai mươi trong số 35 mảnh xương được đưa vào quan tài bằng gỗ nam mộc đặt trong mộ huyệt của Bao Công, 15 mảnh xương còn lại được trưng bày trong Nhà Bảo tàng tỉnh An Huy. Đó là tất cả những gì còn sót lại của di thể Bao Thanh Thiên.
Bao Công có bị bức hại?
Xưa nay vẫn lan truyền thuyết Bao Công chết do bị hạ độc vì ông nổi tiếng cương trực, không sợ quyền thế, can gián cả vua. Bọn tham quan ô lại cùng hoàng thân quốc thích hư đốn xem ông như cừu thù.
Trên mộ chí của Bao Công chép rằng: “Năm Gia Hựu thứ 7, tháng 5, ngày Kỷ Mùi (tức ngày 12-5-1062) vừa ra bàn việc, phát bệnh nên quay về. Hoàng thượng sai sứ ban cho thuốc tốt, đến ngày Tân Mùi (tức ngày 24-5-1062) thì không dậy được nữa”.
Như vậy, Bao Công từ lúc phát bệnh đến lúc chết chỉ có 13 ngày, trong thời gian này lại còn sử dụng thuốc của vua ban. Dư luận nghi ngờ rằng phải chăng Bao Công chết vì uống “lương dược” của vua ban?
Các nhà khoa học thuộc Phòng Nghiên cứu năng lượng vật lý cao Học viện Khoa học Trung Quốc đã phối hợp với Viện Bảo tàng tỉnh An Huy tiến hành xét nghiệm những mảnh xương của Bao Công. Kết quả cho thấy: Hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại, trong khi đó hàm lượng chì và arsen (thạch tín) lại thấp hơn người thường. Ngày xưa, độc dược được sử dụng chủ yếu là tì sương (thạch tín) và chu sa (thủy ngân), chúng có độc tính cực mạnh.
Theo TS Hồ Hân Dân, Viện trưởng Viện Bảo tàng tỉnh An Huy, kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng Bao Công bị trúng độc cấp tính do uống phải thuốc có chứa thạch tín.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-3
Bình luận (0)