Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến công du châu Á hồi tháng 11, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này đã tập trận chung ở Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tập trận với Hải quân Hàn Quốc hồi tháng 10-2017 Ảnh: REUTERS
Đó là sự biểu dương sức mạnh và phạm vi hoạt động của quân đội Mỹ, là sự nhắc nhở về khả năng triển khai lực lượng ra toàn cầu không ai sánh bằng. Tuy nhiên, đồng thời, đó cũng là dấu hiệu cho thấy lực lượng đó đã bị kéo căng như thế nào. Đưa 3 tàu sân bay đến Thái Bình Dương là một phần chiến lược của Washington nhằm đe dọa Triều Tiên. Thế nhưng, để làm như vậy, Mỹ phải rút lực lượng khỏi những khu vực xung đột tiềm tàng khác, trong đó có vùng Vịnh.
Đòi hỏi ngày càng nhiều về nguồn lực quân sự ở nhiều nơi hơn đang gây ra nỗi lo trong quân đội Mỹ. Hồi tháng 6, báo cáo của Trường ĐH Chiến tranh Quân đội Mỹ đã thẳng thừng kết luận rằng kỷ nguyên thống trị toàn cầu của quân đội Mỹ sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã kết thúc.
Sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, năng lực quân sự quy ước của Mỹ được tập trung vào một số địa điểm, chủ yếu là Iraq và Afghanistan. Nguồn lực đổ vào những nơi đó là rất lớn - 5.600 tỉ USD cho đến giờ, theo ước tính của các chuyên gia Trường ĐH Brown vào tháng rồi.
Dựa vào số liệu của Lầu Năm Góc, các nhà nghiên cứu này ước tính khoảng 2,7 triệu quân nhân Mỹ đã đến 2 quốc gia trên vào thời gian đó, trong đó hơn một nửa được điều động hơn một lần. Tuy nhiên, người ta chưa bao giờ cho rằng những cuộc xung đột này kéo dài mãi với hy vọng rằng mỗi lần gia tăng quân sẽ dẫn đến chiến thắng, từ đó cho phép rút nhiều binh sĩ hơn.
Điều đó đã không xảy ra và các nhà quy hoạch quân sự Mỹ giờ đây cho rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq, Afghanistan và một số quốc gia khác sẽ kéo dài nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, kể từ giữa thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, Lầu Năm Góc đã âm thầm thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với những cuộc chiến trên nhằm đạt được mô hình "cố vấn và hỗ trợ" bền vững hơn thông qua làm việc với các lực lượng địa phương.
Tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tuyên bố ông đoán những sứ mệnh như vậy sẽ tăng lên đáng kể trong những năm sắp đến. Thành công của liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria do Mỹ đứng đầu cho thấy những chiến thuật như vậy có thể có tác dụng. Thế nhưng, cũng có những thất bại và lãng phí, như tại Afghanistan, nơi lực lượng an ninh địa phương tiếp tục gặp khó dù nhận tài trợ 70 tỉ USD của Mỹ từ năm 2001.
Phần lớn gánh nặng của các chiến dịch quân sự Mỹ trong 15 năm qua đè lên vai một số đơn vị đặc biệt, với ngân sách, quân số và số lần triển khai đều tăng đáng kể. Họ đang bị căng sức đến mức nguy hiểm và quân đội Mỹ đang tìm cách thành lập thêm các đơn vị để đảm nhận những nhiệm vụ phi truyền thống.
Khi phần lớn nhiệm vụ chiến đấu dành cho lực lượng địa phương, con số thương vong của người Mỹ giảm đáng kể. Thế nhưng, cái chết của 4 binh sĩ mũ nồi xanh Mỹ ở Niger hồi tháng 10 cho thấy việc triển khai quân mà không có nhiều yểm trợ như ở Iraq và Afghanistan đồng nghĩa khi tình hình không ổn, họ sẽ nhanh chóng gặp chuyện không may.
Một sự thật gây bối rối khác: nguy cơ quân nhân Mỹ thiệt mạng trong tai nạn còn cao hơn lúc làm nhiệm vụ trong năm vừa qua. Điều này do hậu quả của một loạt sự cố, trong đó có những vụ va chạm nghiêm trọng của các tàu khu trục USS Fitzgerald và McCain. Những thiệt hại gặp phải cho thấy ngay cả những lực lượng Mỹ không tham chiến có lẽ cũng đang bị kéo căng nguy hiểm.
Điều đó đặc biệt đúng ở châu Á. Căng thẳng với Trung Quốc và Triều Tiên khiến những lực lượng Mỹ đóng tại đó được đặt trong tình trạng báo động cao độ. Ở châu Âu cũng vậy, căng thẳng thường trực với Nga khiến quy mô lực lượng Mỹ tăng cao chưa từng có kể từ thời chiến tranh lạnh.
Ngân sách của Lầu Năm Góc - tài khóa này là 825 tỉ USD - đang tăng và tiếp tục lớn hơn nhiều ngân sách của bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc và Nga - với mức chi tiêu quân sự lần lượt 146 tỉ và 70 tỉ USD - không có phạm vi hoạt động toàn cầu như Mỹ nhưng đang tập trung nhiều hơn vào những khu vực lân cận mình. Cả hai nước đều đổ nguồn lực vào kỹ thuật và chiến thuật, chẳng hạn như chiến tranh không gian mạng và tên lửa. Các nhà chiến thuật Mỹ lo ngại bước đi này có thể tạo cho họ lợi thế trong bất cứ cuộc chiến tranh địa phương nào.
Một phần những nguy cơ nói trên ít nhiều đã được tiên liệu, khi chính quyền ông Obama bắt đầu "xoay trục" sang châu Á năm 2012 do nhận định mối đe dọa Trung Quốc ngày càng tăng. Tuy nhiên, phần lớn những mối đe dọa khác, như chuyện Triều Tiên đang tiến nhanh đến khả năng tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân, lại không được chú ý đến.
Năng lực quân sự của Washington vẫn mạnh hơn qua những quốc gia còn lại. Thế nhưng, nước này hiện đối mặt mối đe dọa rất thật rằng các kẻ thù có thể bắt họ đổ máu đến chết mà không phải đối đầu ngoài chiến trường.
Bình luận (0)