Quân đội Syria thông báo “chế độ hòa hoãn” sẽ áp dụng từ 1 giờ ngày 30-4 (giờ địa phương) và kéo dài 1 ngày ở ngoại ô Ghouta, phía Đông thủ đô Damascus và 3 ngày ở vùng nông thôn phía Bắc tỉnh ven biển Latakia.
Hãng tin Interfax dẫn lời trung tâm giám sát ngừng bắn của Nga cho hay tất cả hoạt động quân sự sẽ chấm dứt ở ngoại ô Ghouta cũng như vùng nông thôn phía Bắc tỉnh ven biển Latakia.
Tuy nhiên, TP Aleppo không nằm trong khu vực ngưng bắn. Vì vậy, giải pháp tạm thời nói trên khó có thể làm sống lại các cuộc hòa đàm bị đổ vỡ tại Geneva – Thụy Sĩ trong tuần này.
Một nguồn tin quân sự Syria tiết lộ TP Aleppo tập trung đông "phần tử khủng bố, sẵn sàng tử vì đạo" nên không thể cho vào danh sách “chế độ hòa hoãn”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner giải thích lý do không cố gắng ngăn chặn bạo lực tại Aleppo: “Phải công nhận rằng Aleppo rất phức tạp, các cuộc xung đột quanh thành phố rất đáng báo động. Chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu đó và chúng tôi chọn Latakia và Đông Ghouta”.
Mỹ hôm 29-4 cho biết sẽ thảo luận với Nga trong một nỗ lực khôi phục thỏa thuận ngừng bắn, bước đầu thử nghiệm tại Latakia và Đông Ghouta trước khi áp dụng trên toàn lãnh thổ Syria.
Trong khi đó, Giám đốc nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) Zeid Ra'ad al-Hussein lo ngại sự gia tăng hoạt động quân sự ở TP Aleppo báo hiệu một sự leo thang chết người thời gian tới. Ông Al-Hussein cũng lên án các bên tham gia xung đột đã “coi mạng sống của người dân như cỏ rác” bên cạnh việc cảnh báo trước mắt sẽ còn diễn ra nhiều điều “kinh dị” hơn ở Syria.
Ngưởi dân quận al-Fardous - Aleppo sơ tán sau khi trúng bom. Ảnh: REUTERS
Aleppo là thành phố lớn nhất của Syria trước khi xảy ra cuộc nội chiến làm hơn 400.000 người thiệt mạng, theo Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tình hình Syria Staffan de Mistura. Thành phố này đang nằm dưới sự kiểm soát của cả phe nổi loạn và quân chính phủ.
Người đứng đầu Uỷ ban Đàm phán Cấp cao (HNC) của phe đối lập Syria, Riyad Hijab, trong bức thư gửi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án Damascus thảm sát dân thường hằng ngày, bao vây và bỏ đói cư dân ở các thành phố, thị trấn, làng mạc, trong đó có Aleppo.
Theo thống kê của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), các cuộc không kích và pháo kích của chính phủ Syria trong 8 ngày qua đã giết chết ít nhất 142 thường dân, bao gồm 21 trẻ em tại các khu vực quân nổi dậy chiếm đóng trong thành phố.
Ngược lại, các cuộc pháo kích của phiến quân vào khu vực chính phủ kiểm soát khiến 84 dân thường, trong đó có 14 đứa trẻ, thiệt mạng.
Liên quan tới vụ không kích trúng bệnh viện được tổ chức Bác sĩ không biên giới hỗ trợ, con số người chết đã tăng lên ít nhất 50, trong đó có 6 bác sĩ.
Bình luận (0)