Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 4-5 đã ký bản ghi nhớ về việc lập 4 vùng an toàn ở Syria. Bước đi này được kỳ vọng sẽ giảm bớt đổ máu trong cuộc xung đột vừa bước qua năm thứ 7 dù vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải.
Mỹ thận trọng
Đáng chú ý, bản ghi nhớ được đưa ra bàn thảo tại vòng thứ 4 của cuộc hòa đàm Syria ở thủ đô Astana - Kazakhstan nêu trên lại không có chữ ký của đại diện chính phủ Syria hoặc các nhóm đang tìm cách lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo tờ The New York Times, trong lúc Damascus lên tiếng ủng hộ thì những phe đối lập cho rằng kế hoạch có quá nhiều lỗ hổng, qua đó cho phép quân đội Syria tiếp tục "không kích bừa bãi các khu vực thường dân". Giới truyền thông cho biết một số thành viên phái đoàn đối lập đã rời phòng họp để phản đối sự can dự của Iran trong lúc lễ ký kết bản ghi nhớ diễn ra.
Mỹ - nước tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên - cũng tỏ ra hoài nghi về vai trò bảo trợ của Tehran, bên cạnh Moscow và Ankara, đối với thỏa thuận dù bày tỏ hy vọng nó có thể góp phần xuống thang bạo lực và mở đường cho một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột Syria. Bà Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định các hoạt động của Iran ở Syria và sự ủng hộ của nước này dành cho chế độ ông Assad chỉ càng khiến bạo lực gia tăng.
Các bên tham gia cuộc hòa đàm Syria ở thủ đô Astana - Kazakhstan hôm 4-5 Ảnh: THX-Reuters
Phe nổi dậy chịu bất lợi?
Nội dung bản ghi nhớ kêu gọi lệnh ngừng bắn, cấm mọi chuyến bay, nhanh chóng phân phối hàng viện trợ và khuyến khích người tị nạn trở về 4 vùng an toàn - được 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhất trí thành lập trước ngày 4-6 sau khi giải quyết xong những vấn đề kỹ thuật liên quan.
Theo RT, các vùng này được thiết lập ở những tỉnh Idlib, Latakia, Homs và một phần tỉnh Aleppo với mục tiêu chia tách các nhóm "đối lập ôn hòa" với các nhóm thánh chiến và khủng bố, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, để tập trung tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại thỏa thuận có thể là bước đi đầu tiên hướng đến việc phân chia Syria thành những vùng do quân chính phủ và phe nổi dậy kiểm soát.
Có mặt tại hội nghị trong vai trò quan sát viên, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura, mô tả thỏa thuận là "bước đi đúng hướng quan trọng, đầy hứa hẹn và tích cực" nhưng vẫn thận trọng rằng thử thách vẫn còn nhiều ở phía trước. Sự thận trọng này không thừa bởi một thỏa thuận ngừng bắn từng được Nga, Iran (hai đồng minh chính của ông Assad) và Thổ Nhĩ Kỳ (ủng hộ một số nhóm nổi dậy Syria) đạt được ở Astana trước đó đã nhanh chóng sụp đổ, một phần vì không có sự tham gia của các bên đối đầu trực diện tại Syria.
Một vấn đề chưa rõ ràng khác là cơ chế giám sát việc tuân thủ thỏa thuận. Ông Aleksandr Lavrentyev, quan chức đại diện Nga tham dự hội nghị, cho biết Moscow có thể gửi quan sát viên và tăng cường làm việc với những nước hậu thuẫn phe nổi dậy, trong đó có Mỹ và Ả Rập Saudi. Các quan sát viên cũng có thể đến từ một số nước thân Nga.
Bên cạnh đó, ông Lavrentyev nhấn mạnh chiến đấu cơ của lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu sẽ không được phép đi vào 4 vùng an toàn dù lệnh cấm này không nằm trong nội dung bản ghi nhớ.
Theo ông Lavrentyev, thỏa thuận trên có hiệu lực từ ngày 6-5 và không lực Syria sẽ tránh không kích các vùng an toàn trừ khi các nhóm nổi dậy tấn công ở đó. Các tay súng IS và Al-Qaeda nằm ngoài thỏa thuận này khiến phe nổi dậy cho rằng lực lượng Syria có thể dựa vào lý do chống khủng bố để không kích bất kỳ nơi nào.
Ông Emile Hokayem, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh), chỉ ra một bất lợi khác của phe nổi dậy nếu thỏa thuận được thực thi: Các lực lượng thân chính phủ Syria có thể phân bổ nguồn lực quân sự khi cần trong khi phe nổi dậy không thể di chuyển thoải mái các tay súng đi khắp Syria.
Bình luận (0)