Sẽ có phản ứng tương xứng
Tàu khu trục tên lửa USS Gravely là 1 trong 4 tàu của Mỹ đang hiện diện ở Ðịa Trung Hải Ảnh: US NAVY
Cùng ngày, người đồng cấp Pháp Laurent Fabius khẳng định sẽ có "phản ứng tương xứng" đối với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà chính phủ Syria vừa "tiến hành". Phát biểu trên đài Europe 1, ông Fabius cho biết: "Một phản ứng như thế sẽ được quyết định trong những ngày tới. Mọi lựa chọn đều đang được xem xét".
Trên mặt trận quân sự, các tướng lĩnh hàng đầu của một số nước phương Tây và Hồi giáo, trong đó có Anh, Mỹ, Pháp, Qatar, Ả Rập Saudi… nhóm họp tại Jordan trong ngày 26-8 để bàn về tình hình Syria. Người phát ngôn quân đội Jordan cho hãng tin nhà nước Petra biết cuộc gặp diễn ra trong 2 ngày này sẽ bàn về "tình hình và những kịch bản" ở Syria, nhất là sau khi xảy ra những diễn biến nguy hiểm gần đây. Cuộc gặp cũng sẽ đưa ra đánh giá toàn diện về tác động của cuộc xung đột Syria đối với khu vực.
Liên Hiệp Quốc điều tra
Báo Telegraph hôm 25-8 tiết lộ tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đã sẵn sàng tham gia cùng Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa hành trình và danh sách các mục tiêu đang được bàn bạc. Dẫn nguồn tin của chính phủ Anh, bài báo cho biết bất kỳ một hành động quân sự được nhất trí nào có thể bắt đầu diễn ra trong tuần này. Một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh được cho là đang ở khu vực. Ngoài ra, một số tàu chiến Anh gần đây đã lên đường đi tập trận ở Ðịa Trung Hải. Bốn tàu khu trục tên lửa của Mỹ cũng đang hiện diện ở Ðịa Trung Hải, sẵn sàng tham gia hành động khi nhận được lệnh. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu quân đội chuẩn bị "mọi lựa chọn" khả dĩ cho vấn đề Syria.
Những lời đe dọa trên diễn ra trong bối cảnh các thanh sát viên LHQ hôm 26-8 bắt đầu điều tra địa điểm xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bị cáo buộc ở ngoại ô Damascus. Trên đường đi, đoàn xe chở thanh sát viên đã bị các tay súng bắn tỉa giấu mặt tấn công nhưng không có trường hợp thương vong nào. Các thanh sát viên sau đó vẫn đến được thị trấn Mouadamiya để lấy mẫu từ các nạn nhân.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh đều cho rằng cuộc điều tra này diễn ra "quá muộn" để có thể mang lại kết quả "đáng tin cậy" bởi vụ tấn công đã xảy ra 5 ngày trước đó và nhiều chứng cứ có thể đã bị hủy bởi những vụ không kích sau đó của quân đội Syria. Mặt khác, Tổng thống Pháp François Hollande hôm 25-8 cho rằng có những bằng chứng cho thấy chính chế độ Assad đã tiến hành vụ tấn công nhằm vào dân mình.
Phe đối lập Syria cho biết hơn 1.300 người đã thiệt mạng vì khí độc trong vụ tấn công hôm 21-8. Trong khi đó, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 3.600 bệnh nhân có những triệu chứng do hít phải khí gây tê liệt thần kinh, trong đó 355 người đã tử vong.
Bình luận (0)