Công ước cấm vũ khí hóa học của Liên Hiệp Quốc ra đời năm 1993 cấm các nước phát triển, sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học. Syria là một trong số khoảng 6 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc chưa tham gia công ước này.
Cộng đồng quốc tế mong vấn đề Syria sớm ổn thỏa theo hướng hòa bình. Ảnh: Reuters
Trước đó, Mỹ và Nga đã tìm được đồng thuận về vấn đề Syria, họ thống nhất đưa ra một loạt các bước mà chính phủ Syria phải tuân theo để giải trừ vũ khí hóa học, ngăn chặn cuộc tấn công quân sự. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong vòng 1 tuần, Damascus phải đưa ra danh sách các kho dự trữ vũ khí hóa học - bao gồm tên, loại, địa điểm, hình thức lưu giữ, cơ sở sản xuất… - và các thanh sát viên quốc tế sẽ có mặt tại Syria vào tháng 11 tới.
Mỹ và Nga tin rằng Syria sở hữu khoảng 1.000 tấn hóa chất. Washington đinh ninh số hóa chất trên đang cất giữ 45 địa điểm và tất cả do chính quyền Assad kiểm soát.
Trong lúc cộng đồng quốc tế đều nhẹ nhõm khi vấn đề Syria được giải quyết theo cách hòa bình thì phe đối lập tại nước này lại phản đối thỏa thuận trên và từ chối tuyên bố ngừng bắn. Không chỉ vậy, phe đối lập còn tố cáo chính quyền Assad đã chuyển một số vũ khí hóa học đến Iraq và một số nước khác trong khu vực.
Ngay khi thông tin trên lan tỏa, chính quyền Iraq lập tức lên tiếng bác bỏ. “Phe đối lập Syria tuyên bố ông Assad đã chuyển một phần vũ khí hóa học đến Iraq là âm mưu nhằm làm hoen ố hình ảnh Iraq trong lúc người dân chúng tôi cũng là nạn nhân vũ khí này. Chúng tôi phủ nhận tin tức trên và coi chúng như một hành động tuyên truyền rẻ tiền. Chúng tôi kêu gọi các bên làm việc vì lợi ích của người dân Syria hơn là công cụ cho một số nước bên ngoài nhằm mục đích bôi nhọ danh tiếng Iraq. Iraq phản đối sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí hủy diệt hàng loạt khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới” - Ali al-Mosawi, cố vấn truyền thông của Nuri al-Maliki- Thủ tướng Iraq cho biết.
Bình luận (0)