Vắng bóng ít lâu sau thất bại trong cuộc tranh cử năm 2012, ông Sarkozy giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn lãnh đạo Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) cánh hữu tháng 11-2014, tạo bước đệm đầu tiên trong cuộc đua trở lại dinh tổng thống.
Tiếp đến, ông củng cố vị thế bằng thắng lợi trong việc đổi tên đảng thành Đảng “Những người Cộng hòa” với 80% phiếu thuận giữa tràng tung hô “Nicolas!”. Hai tháng trước, ông lèo lái giúp đảng này giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử địa phương giữa kỳ.
Về phần ông Hollande, dù từng bị đả kích là vị tổng thống không được yêu thích nhất trong lịch sử Pháp nhưng một cuộc bỏ phiếu trước đại hội Đảng Xã hội (tổ chức từ ngày 5 đến 7-6) cho thấy thành viên đảng này ủng hộ các chính sách của ông. Các nhà phê bình cho rằng sự phản đối dành cho đường lối ôn hòa của ông Hollande đã lắng dịu.
Có điều, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy 3/4 người Pháp không muốn chứng kiến 2 ông này chạy đua lần nữa.
“Ở Anh, các lãnh đạo đảng sẽ từ chức hay giã từ luôn sự nghiệp chính trị sau khi bị đánh bại dù họ mới tròm trèm 40 tuổi. Vậy mà tại Pháp, cơ chế vẫn thủ cựu, khuyến khích cái cũ và rồi thất bại. Điều đó không khiến cử tri phấn chấn” - ông Gael Sliman, thuộc hãng thăm dò Odoxa, nhắc đến sự kiện lãnh đạo Công Đảng (Ed Miliband) và Dân chủ Tự do (Nick Clegg) dứt áo ra đi sau khi bại trận dưới tay Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc bầu cử tháng 5.
Chuyện gì cũng có thể xảy ra trong 2 năm tới. Nếu cả ông Hollande lẫn ông Sarkozy tiếp tục thất bại trong việc thu hút các cử tri, họ sẽ phải nhường cơ hội cho người khác. Người có thể hưởng lợi từ sự chán nản của cử tri đối với những gương mặt cũ là lãnh đạo Mặt trận Quốc gia cực hữu Marine Le Pen. Bà Le Pen giành được 18% số phiếu trong năm 2012.
Bình luận (0)