Tại Pháp, đúng là ông Emmanuel Macron đã lập một kỷ lục mới về tuổi tác khi bước vào Điện Élysée. Trước ông, chỉ có Charles Louis-Napoléon Bonaparte được bầu làm tổng thống (TT) đầu tiên của nền Cộng hòa Pháp năm 1848, lúc 40 tuổi để rồi sau đó trở thành Hoàng đế Napoléon III – vị vua cuối cùng của nước Pháp – vào năm 1852. Người thứ hai cũng khá trẻ là ông Valérie Giscard d’Estaing, đắc cử TT năm 48 tuổi. Tóm lại, ông Macron là vị TT trẻ nhất mọi thời đại ở Pháp.
Chưa phải trẻ nhất châu Âu
Trong 28 nước thành viên của khối kinh tế - chính trị châu Âu (EU), có thể nói TT Macron là người đứng đầu nhà nước trẻ nhất toàn khối.
Nhưng nói về người đứng đầu chính phủ (thủ tướng) thì có hai người được dân bầu ở độ tuổi trẻ hơn. Điều đó cho thấy ở các nước châu Âu khác cũng có không ít chính khách trẻ tuổi, tài cao không kém gì Pháp.
Tiểu vương Tamim ben Hamad Al Thani xứ Qatar.
Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck
Thủ tướng Bỉ Charles Michel. Ảnh: BELGA, REUTERS
Đầu tiên là thủ tướng Bỉ Charles Michel, sinh năm 1975, đắc cử thủ tướng năm 38 tuổi (2014). Ông vốn là chính khách "con nhà nòi" - con ông Louis Michel, nguyên Chủ tịch Đảng MR (Phong trào Cải cách), hiện là nghị sĩ châu Âu.
Ông Charles tham gia chính trị từ năm 16 tuổi, từng làm chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Cải cách Cấp tiến. Trình độ học vấn của ông không bằng ông Macron, chỉ tốt nghiệp bằng cử nhân luật tại ĐH Amsterdam và ĐH Tự do Bruxelles.
Sau cuộc bầu cử liên bang ngày 25-5-2014, Đảng MR của ông Charles chiến thắng nhưng không đủ lực để tự thành lập chính phủ. Ông hiệp thương với các đảng NVA, CD&V và Open LVD để thành lập một chính phủ liên minh. Hiệp thương thành công, ông trở thành thủ tướng trẻ nhất nước Bỉ sau Thế chiến II. Ngày 11-10-2014, chính phủ ông đã tuyên thệ trước Quốc vương Phillipe.
Người thứ hai là Jüri Ratas, sinh ngày 2-7-1978 tại TP Tallinn, thủ đô Estonia. Là thành viên của EKE (Đảng Trung dung Estonia), ông đắc cử thủ tướng ngày 23-11-2016, lúc mới 38 tuổi.
Ông Ratas cũng tốt nghiệp ĐH, lấy bằng thạc sĩ kinh tế và bằng thạc sĩ luật tại ĐH Tartu năm 2005. Từng làm thị trưởng Tallinn và đắc cử nghị sĩ 2 lần, ông được TT Estonia là bà Kersti Kaljulaid chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới sau khi chính phủ ông Tavvi Rôivas sụp đổ. Ông được hai Đảng IRL (cánh hữu) và SDE (cánh tả) ủng hộ, quốc hội cũng thông qua với 53 phiếu thuận và 33 phiếu chống, trở thành thủ tướng trẻ nhất Estonia ở tuổi 38. Ông đã có vợ, 3 con, nói được 3 ngoại ngữ Anh, Nga và Thụy Điển.
Nhân vật thứ ba là Volodymyr Boryssovytch Hroisman, sinh năm 1978 tại Vinnytsia - Ukraine. Là thành viên Đảng "Ukraine của chúng ta" của TT Viktor Yushenko, năm 2006, ông đắc cử chức thị trưởng Vinnytsia ở độ tuổi trẻ nhất nước. Tám năm sau, ông được bổ nhiệm làm phó thủ tướng phụ trách phát triển khu vực, xây dựng nhà ở trong chính phủ ông Arseniy Yatsenyuk.
Làm chủ tịch Verkhovna Rad (quốc hội Ukraine) được vài tháng, ông Hroisman được TT Petro Porochenko bổ nhiệm làm thủ tướng thay ông Yatsenyuk ngày 14-4-2016. Sự kiện này chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị sau khi ông Yatsenyuk xin từ chức. Ông cũng trở thành thủ tướng gốc Do Thái trẻ nhất trong lịch sử Ukraine.
Đăng quang ở tuổi 28
Nếu tính về tuổi tác trên phạm vi thế giới, TT Macron cũng đứng sau 4 người đứng đầu nhà nước sau đây.
Bà Vanessa D’Ambrosio, người đứng đầu nhà nước Cộng hòa San Marino, một quốc gia tí hon nằm lọt thỏm trong nước Ý, có chính phủ nhưng không có TT hay thủ tướng. Chức danh của bà Vanessa là quan nhiếp chính (cũng là nguyên thủ quốc gia), do đại hội đồng (quốc hội) bầu gián tiếp, với nhiệm kỳ chỉ có 6 tháng. San Marino có 2 quan nhiếp chính chia nhau điều hành chính phủ. Bà Vanessa hiện là đương kim quan nhiếp chính nhiệm kỳ từ ngày 1-4 đến 1-10-2017.
Ba người còn lại là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, Quốc vương xứ Bhutan, Chủ tịch nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tiểu vương Tamim ben Hamad Al Thani xứ Qatar. Trở thành nguyên thủ quốc gia theo phương thức cha truyền con nối nên họ thường đăng quang ở độ tuổi rất trẻ.
Trong đó, ông Kim Jong-un, sinh năm 1983 - con trai cố Chủ tịch Kim Jong-il, qua đời năm 2011 - kế thừa chức chủ tịch năm 28 tuổi. Ông từng du học ở Thụy Sĩ, được xem là một trong những nhà lãnh đạo nhà nước trẻ tuổi và năng động nhất thế giới.
Quốc vương Bhutan, ông Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, cũng đăng quang lúc 28 tuổi, sau khi vua cha thoái ngôi. Tuần báo Paris-Match trích dẫn lời thần dân xứ này gọi ông là "nhà vua của nước nghèo nhất thế giới". Nhưng xứ sở của 700.000 dân này cũng được thế giới biết đến như là xứ sở hạnh phúc nhất thế giới.
Tiểu vương Qatar, người đặc biệt
Trong số các thái tử được nhường ngôi báu đặc biệt có Tiểu vương xứ Qatar Tamim bin Hamad al-Thani, được vua cha Hamad Ben Khalifa Al-Thani truyền ngôi năm 2013, lúc mới 33 tuổi.
Là chiến lược gia thể thao hàng đầu ở Qatar trước khi trở thành tiểu vương, ông chính là người giúp Qatar giành quyền đăng cai Giải Vô địch Bơi lội Thế giới năm 2014 và giải bóng đá 2022 FIFA World Cup. Nhật báo Ai Cập Al-Aram gọi ông là "Nhân vật Thể thao xuất sắc nhất trong thế giới Ả Rập".
Trong chính trường, ông cũng là một chính khách đáng gờm. Giới truyền thông mô tả ông là một người thân thiện, đáng tin cậy, có hiểu biết rộng đồng thời ăn nói rất thận trọng, tính toán kỹ của người theo chủ nghĩa thực dụng. Ưu tiên của ông là bảo tồn bản sắc quốc gia và các giá trị truyền thống.
Bình luận (0)