Trung Quốc đang bắt kịp Mỹ ở nhiều lĩnh vực và nhiều ngân hàng lớn dự đoán nước này sẽ qua mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, sớm nhất là vào năm 2020, trong khi đã có ý kiến để đồng nhân dân tệ thay thế đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Thế nhưng, khi bàn đến vũ khí hạt nhân, khó có thể so sánh vì 2 nước này khác biệt về chính sách chiến lược.
Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Trong báo cáo mới đây, Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment (Mỹ) đề cập đến sự trái ngược về tâm lý và mô hình an ninh đằng sau quyết định hạt nhân của mỗi nước. “Những sự khác biệt này không chỉ đơn thuần là kết quả của môi trường an ninh và cấp độ sức mạnh quân sự khác nhau, mà cũng phản ánh sự khác biệt trong tư duy cơ bản bởi vì mỗi quốc gia phát triển triết lý hạt nhân riêng của mình trong quá trình thực hiện chính sách bảo mật” - báo cáo nêu rõ.
Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment đưa ra một vài điểm khác biệt. Trước tiên là về vấn đề răn đe. Đe dọa trả đũa nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của đối phương, gọi là răn đe, là một nguyên tắc cơ bản của Mỹ nhưng Bắc Kinh không như thế.
Báo cáo cho hay: “Chuyên gia hạt nhân Mỹ và Trung Quốc từ lâu lúng túng trước những khác biệt trong cách tiếp cận răn đe hạt nhân. Các học giả Mỹ tin rằng sự răn đe hạt nhân là thích hợp, trong khi các học giả Trung Quốc có xu hướng tin rằng nó có tác dụng đe dọa thái quá. Sự khác biệt này là một vấn đề”.
Lý do Bắc Kinh phản đối hành động răn đe là bởi họ đánh đồng nó với chuyện “ép buộc hạt nhân”. Với phía Mỹ, răn đe buộc đối thủ phải từ bỏ tấn công và do đó duy trì hiện trạng, còn ép buộc là động thái đe dọa buộc đối thủ phải hành động dù không muốn, dẫn đến thay đổi hiện trạng. Washington phân biệt hai ý tưởng này nhưng dường như Trung Quốc thì không.
Kế tiếp là về số lượng. Theo Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ (ACA), Nga có khoảng 7.300 đầu đạn hạt nhân, tiếp theo là Mỹ (7.100 đầu đạn), Pháp (300 đầu đạn), Trung Quốc (260 đầu đạn) và Anh (215 đầu đạn).
Nếu như Washington xem xét số lượng vũ khí hạt nhân được sở hữu như một biểu tượng của sự lãnh đạo toàn cầu, Bắc Kinh không tìm cách sử dụng vũ khí hạt nhân.
Báo cáo nói thêm rằng Trung Quốc không bao giờ tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với nước khác nhưng chọn và phát triển công nghệ sao cho vũ khí hạt nhân đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân.
Về mô hình an ninh, cả hai quốc gia cũng có những định nghĩa khác nhau liên quan đến mối quan tâm an ninh. Đối với Trung Quốc, tụt hậu so với các nước phát triển về kinh tế, khoa học, công nghệ và các vấn đề quân sự là một thách thức an ninh cho hoạch định chính sách.
Bình luận (0)