Đoạn video quay bằng điện thoại cho thấy các tài xế rời khỏi bệnh viện với thi thể của bé Alif Putr nằm gọn trong vòng tay của một người đàn ông.
Tài xế xe ôm đưa thi thể bé trai ra khỏi bệnh viện. Ảnh: BBC
Các nghi thức tang lễ trong đạo Hồi thường diễn ra rất sớm nhưng bệnh viện M Djamil không cho phép cha mẹ bé Alif Putr mang thi thể con trai đi chôn cất cho đến khi họ trả đủ viện phí.
Ông Wardiansyah, chú của bé trai, một trong những tài xế xông vào bệnh viện, đã quyết định hành động và kêu gọi sự giúp đỡ của những đồng nghiệp.
Người chú này giải thích với đài BBC: "Chúng tôi đã hành động sau khi biết được gia đình cháu không thể đưa con đi chôn cất vì không trả được 25 triệu rupiah (tương đương 1.774 USD). Các nhân viên an ninh đã cố ngăn chặn chúng tôi nhưng họ bỏ cuộc vì chúng tôi quá đông".
Hàng chục tài xế xông vào bệnh viện. Ảnh: BBC
Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ bê bối ở Indonesia trong những năm qua về việc bệnh viện thiếu sự cảm thông đối với những người không đủ khả năng chi trả viện phí.
Trước đây, đã từng xảy ra rất nhiều trường hợp các bệnh viện và phòng khám ở Indonesia tạm giữ trẻ sơ sinh cho đến khi gia đình chi trả các chi phí y tế.
Dưới thời Tổng thống Joko Widodo, một chương trình chăm sóc sức khỏe được triển khai trên toàn quốc nhưng gặp nhiều vấn đề về kinh phí và nhiều gia đình nghèo không đăng ký tham gia được.
Mẹ của bé trai, bà Dewi Surya, cho biết gia đình đang đăng ký chương trình chăm sóc sức khỏe khi Alif bị bệnh. Cậu bé được phẫu thuật nhưng đã qua đời hôm 19-11.
Mẹ của bé trai, bà Dewi Surya, khóc trong đám tang con trai. Ảnh: BBC
"Alif đáng thương đã phải chờ đợi quá lâu trong nhà xác" – bà Surya nói trong nước mắt tại đám tang con trai.
Bệnh viện sau đó gửi lời xin lỗi và cam kết không để trường hợp tương tự tái diễn.
Giám đốc bệnh viện Yusirwan Yusuf lý giải vụ việc là sự hiểu lầm: "Bệnh viện chỉ biết tình trạng của gia đình khi họ nộp đơn khiếu nại cho chúng tôi. Đây là bệnh viện công và chúng tôi thậm chí không bao giờ hỏi bệnh nhân rằng họ có tiền điều trị hay không".
Tuy nhiên, ông Yusuf cũng chỉ trích cuộc đột kích của cánh tài xế xe ôm khi cho đó là hành động liều lĩnh và nguy hiểm. "Chúng tôi có quy trình vận hành tiêu chuẩn và nó đã bị phá vỡ. Đó là hành động thái quá. Nếu thi thể mắc bệnh truyền nhiễm thì sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm?" – ông Yusuf nói.
Một đại diện của nhóm tài xế xe ôm sau đó cũng xin lỗi ban giám đốc bệnh viện.
Bình luận (0)